9.000 tỷ đồng để 20 triệu người nối mạng tri thức vào năm 2020

Chủ nhật - 08/01/2012 12:33

9.000 tỷ đồng để 20 triệu người nối mạng tri thức vào năm 2020

ICTnews - Với 9.000 tỷ đồng đầu tư của Nhà nước trong 8 năm (2012 - 2020) cho Chương trình Máy tính nối mạng tri thức, đến năm 2020 sẽ có 20 triệu người được tiếp nhận tri thức qua Chương trình này, và tiết kiệm tới 2 tỷ USD cho xã hội.

Những con số ấn tượng nêu trên vừa được công bố tại Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam diễn ra ngày 7/1/2012 ở Hà Nội.

Xuất phát từ thực tế thiếu thiết bị đầu cuối, mô hình ứng dụng và nội dung phù hợp cho người sử dụng dẫn đến hiệu quả ứng dụng CNTT còn yếu kém trong giáo dục và cộng đồng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ TT&TT xây dựng một chương trình cấp Chính phủ tạo ra sức bật mới cho CNTT Việt Nam - tạo ra khả năng cho những người chưa có cơ hội truy cập Internet và sử dụng máy tính có thể hướng đến một xã hội dùng máy tính và Internet, một xã hội thông tin.

Chương trình Máy tính nối mạng tri thức đã được Bộ TT&TT hình thành để hiện thực hóa chỉ đạo nêu trên.

Chương trình gồm 6 nội dung chính: Tuyên truyền quảng bá; Hỗ trợ cung cấp máy tính, thiết bị và xây dựng phần mềm nguồn mở; Hỗ trợ đường truyền Internet; Xây dựng và vận hành Kho nội dung và dịch vụ CNTT; Đào tạo và hỗ trợ sử dụng.

Ông Nguyễn Thế Trung, Trưởng Nhóm tư vấn xây dựng Chương trình Máy tính nối mạng tri thức của Bộ TT&TT cho biết mục tiêu của Chương trình đến năm 2015 sẽ trang bị và đưa vào sử dụng 2,5 triệu máy tính kết nối mạng (gồm 100.000 máy tính cho 2.500 phòng máy tại các trường phổ thông; 400.000 máy tính cho giáo viên các trường phổ thông và cao đẳng, đại học; 2 triệu máy tính cho học sinh và sinh viên). Đồng thời, xây dựng và đưa vào hoạt động Kho nội dung và phần mềm ứng dụng trực tuyến (gọi tắt là Kho nội dung), bao gồm sách giáo khoa điện tử, tri thức khoa học công nghệ trong các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp với khoảng 50.000 ứng dụng và nội dung; tập huấn 100.000 lượt giáo viên và tình nguyện viên để đào tạo, hướng dẫn người sử dụng máy tính khai thác Kho nội dung.

Đến năm 2020, trang bị và đưa vào sử dụng 7,5 triệu máy tính kết nối mạng (gồm 200.000 máy tính cho 5.000 phòng máy tại các trường phổ thông; 800.000 máy tính cho giáo viên các trường phổ thông và cao đẳng, đại học; 6,5 triệu máy tính cho đối tượng thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên, các hộ gia đình nông thôn); mở rộng phát triển Kho nội dung với khoảng 150.000 ứng dụng và nội dung; tập huấn 250.000 lượt giáo viên và tình nguyện viên để đào tạo, hướng dẫn người sử dụng máy tính khai thác Kho nội dung.

Cần nhấn mạnh rằng Chương trình Máy tính nối mạng tri thức sẽ có tác động rất lớn tới kinh tế xã hội. Cụ thể, 7,5 triệu máy tính sẽ được cấp cho 1 triệu giáo viên và 5 triệu cá nhân, lan tỏa tri thức cho 20 triệu người; khoảng 1 triệu hộ gia đình vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận CNTT, chủ động sử dụng máy tính; tạo thị trường máy tính, Internet khoảng 4 tỉ USD và một thị trường ứng dụng nội dung số có tiềm năng đột phá cao gắn kết với toàn cầu; tiết kiệm cho xã hội 2 tỉ USD, nâng cao năng suất lao động tiết kiệm chi phí cho logistic khoảng 1 tỉ USD trong giai đoạn 2013 - 2025.

Để đạt được những con số mục tiêu vừa nêu, theo ông Nguyễn Thế Trung, Nhà nước cần phải đầu tư 9.000 tỷ đồng, trong đó 6.000 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất máy tính và 2.000 tỷ đồng hỗ trợ đường truyền cho các đối tượng thụ hưởng. Phần vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong Chương trình Máy tính nối mạng tri thức sẽ là 11.000 tỷ đồng.

Bộ TT&TT đã đề xuất cụ thể các mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng thụ hưởng Chương trình Máy tính nối mạng tri thức. Theo đó, hỗ trợ giá máy tính cho các đối tượng thụ hưởng của chương trình với mức 500.000 đồng/máy, riêng các đối tượng ưu tiên được hỗ trợ 1.000.000 đồng/máy. Hỗ trợ chi phí kết nối Internet tốc độ cao cho đối tượng hưởng thụ với mức 250.000 đồng/máy, các đối tượng ưu tiên được hỗ trợ là 500.000 đồng/máy.

Tác giả: Xuân Bách

Nguồn tin: ictnews.vn

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây