Tham luận góp ý của VFOSSA cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.

Thứ năm - 13/08/2020 00:42
Ngày 6/8/2020, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị tham vấn doanh nghiệp về Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA, đã tham dự Hội nghị và trình bày tham luận góp ý của VFOSSA cho bản Dự thảo quyết định quan trọng này. Bài tham luận được tổng hợp từ những ý kiến đóng tâm huyết của nhiều Ủy viên Thường vụ và chuyên gia của VFOSSA. Sau đây là nội dung tham luận.
Tham luận góp ý của VFOSSA cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
Dự thảo Chiến lược đã được Bộ TT&TT xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong nước, quốc tế và đang được hoàn thiện.
Dự thảo Chiến lược xác định tầm nhìn phát triển Chính phủ số Việt Nam đến năm 2030: “Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo với mức độ cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và doanh nghiệp, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công”.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, trong dự thảo Chiến lược, Bộ TT&TT xác định việc xây dựng, phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia theo các quan điểm: Chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số; cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, các công nghệ số để ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, tạo nền tảng, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia;
Mục tiêu kép là gắn phát triển Chính phủ số với phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ các công nghệ lõi, làm chủ các nền tảng mở phục vụ Chính phủ số; các doanh nghiệp có thể tham gia quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công.
Cùng với đó, dự thảo Chiến lược cũng đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai để phát triển Chính phủ số Việt Nam trong giai đoạn mới.
Sau khi nghiên cứu dự thảo,VFOSSA xin được bày tỏ sự vui mừng với đánh giá chung rằng đây là một dự thảo Chiến lược có định hướng rõ ràng, theo xu hướng phát triển của thế giới chuyển từ giai đoạn Chính phủ điện tử sang giai đoạn Chính phủ số, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ trong thời đại của CMCN 4.0 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Với tinh thần xây dựng và đóng góp, VFOSSA xin có một số ý kiến cụ thể trong tham luận này, mong nhận được phản hồi của đơn vị soạn thảo và các đơn vị có liên quan để nâng cao chất lượng dự thảo Quyết định phê duyệt chiến lược quan trọng này.

Các góp ý cụ thể

1.1 Về định hướng xây dựng Chính phủ số

Theo OECD và Gartner, Chính phủ số là mô hình phát triển ở mức độ 4 sau Chính phủ điện tử, trong đó điểm khác biệt quan trọng là công nghệ số được lồng ghép trở thành thành phần hữu cơ khi thiết kế và sử dụng các dịch vụ ở khu vực công. Các giá trị của các dịch vụ công cũng như việc hoạch định chính sách sẽ sử dụng trực tiếp công nghệ số thay vì chỉ sử dụng CNTT và truyền thông để tăng cường hiệu quả hoạt động hiện có sẽ tạo ra các giá trị mới trên cơ sở chia sẻ dữ liệu và có sự đóng góp của cộng đồng trong việc thu thập, phân tích dữ liệu.

Như vậy, Chính phủ số sẽ thay đổi phương thức điều hành của Chính phủ dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu được chia sẻ thay vì chỉ hướng vào việc cải tiến, nâng cao hiệu quả như Chính phủ điện tử. Dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay, song song với những tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội cũng tạo ra cơ hội về nhận thức của toàn xã hội về việc chuyển đổi số trở thành một nhu cầu cấp thiết, đặc biệt ở trong khu vực công. Do đó, việc định hướng xây dựng Chính phủ số tại thời điểm hiện nay là phù hợp.

Các góp ý về chương I “Quan điểm” của VFOSSA trong dự thảo Quyết định như sau:

- Đề nghị làm rõ quan điểm 1. theo hướng việc ra quyết định về chính sách, quản lý xã hội hiệu quả là phải trên cơ sở nền tảng dữ liệu số. Các quyết định cần phải có xuất phát điểm từ nhu cầu quản lý thực tế của xã hội, từ dữ liệu số được thu thập từ các cơ quan quản lý và có sự đóng góp của toàn xã hội. Việc chuyển đổi số là phương tiện để thu thập, quản lý và phân tích các số liệu trong quá trình ra quyết định. Do đó, cần thay đổi phương thức xây dựng các quyết định hành chính từ phương thức hiện tại sang phương thức căn cứ vào CSDL nền tảng của mỗi ngành và lĩnh vực.
- Đề nghị bổ sung quan điểm phát hành các bộ dữ liệu của Chính phủ theo hướng Dữ liệu mở trở thành yêu cầu bắt buộc đối với từng ngành và lĩnh vực quản lý. Những qui định về dữ liệu mở do Chính phủ ban hành cần được cụ thể hóa và phân loại rõ ràng và phù hợp với chuẩn dữ liệu mở quốc tế. Các bộ dữ liệu mở được phát hành theo chuẩn quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sự đóng góp của toàn xã hội theo hướng minh bạch hoá các hoạt động quản lý của Chính phủ và tạo ra nhiều dịch vụ sáng tạo của xã hội trên nền tảng dữ liệu.

1.2 Về mục tiêu cụ thể

Các chỉ tiêu đạt được đến năm 2025 khá cụ thể với các tiêu chí định lượng. VFOSSA góp ý như sau:

- Về chỉ tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến có đầy đủ chức năng, tối ưu hoá trải nghiệm nên sửa chức năng "tự động điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã từng cung cấp" sang chức năng có tính tổng quát hơn là "xây dựng kho dữ liệu cá nhân của người dùng trên nền tảng dữ liệu dịch vụ công để có thể tái sử dụng và hạn chế việc sử dụng giấy tờ phải công chứng, tiết kiệm cho xã hội".
- Về chỉ tiêu 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến phát sinh hồ sơ đề nghị sửa là 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến phát sinh hồ sơ để đảm bảo các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, không còn hiện tượng làm mà không có người sử dụng.
- Về chỉ tiêu 80% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở bổ sung là dữ liệu mở theo chuẩn quốc tế và có sự tham gia đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào các bộ dữ liệu mở.

Với mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Đề nghị bổ sung mục tiêu về việc chia sẻ dữ liệu không chỉ với cơ quan nhà nước mà là toàn xã hội theo quy định của pháp luật đối với từng loại dữ liệu.

1.3 Về nhiệm vụ

Đề nghị bổ sung xây dựng các văn bản mới như sau:

- Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về sử dụng công nghệ mở, trong đó xác định định hướng về sử dụng các công nghệ mở trong việc phát triển các ứng dụng Chính phủ số, các thiết bị điện tử, công nghệ sinh học và sử dụng dữ liệu mở trong hội nhập quốc tế đảm bảo việc làm chủ công nghệ trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
- Xây dựng hướng dẫn thay thế thông tư 20/2014/TT-BTTTT theo hướng ưu tiên các phần mềm nguồn mở bằng cách đánh giá điểm hiệu quả làm chủ công nghệ trong công tác mua sắm, sử dụng trong các cơ quan Nhà nước.
- Xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan Nhà nước, ban hành sớm trong năm 2020.

Về việc phát triển các nền tảng quốc gia:

VFOSSA hoàn toàn nhất trí cách đặt vấn đề về xây dựng nền tảng quốc gia theo hướng là các thành phần cụ thể trong hệ sinh thái nền tảng chính phủ số bao gồm các thành phần tích hợp, chia sẻ dữ liệu, định danh, xác thực thanh toán điện tử, giám sát an ninh mạng, làm việc cộng tác trên môi trường số.

Đề nghị thay đổi phương thức mở các nền tảng quốc gia theo hướng Xây dựng các nền tảng quốc gia theo phương pháp phát triển công nghệ mở nói chung và phần mềm nguồn mở nói riêng như một sự bắt buộc. Thật vậy, việc phát triển theo phương pháp nguồn mở nhằm tránh/giảm thiểu sự phụ thuộc của Chính phủ vào một vài nhà cung cấp độc quyền và nền tảng luôn sẵn sàng để chuyển thành nguồn mở công bố rộng rãi khi điều kiện cho phép và để tận dụng sự tham gia góp ý của cộng đồng và khẳng định sự minh bạch của Chính phủ. Từ đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp về kỹ thuật, an ninh, bảo mật và dữ liệu cho các nền tảng quốc gia, phát triển các dịch vụ mới mang tính sáng tạo cho xã hội.

Đề nghị chỉnh sửa nền tảng Họp trực tuyến, hỗ trợ làm việc từ xa sang Nền tảng làm việc cộng tác bao gồm nhiều phương thức làm việc cộng tác qua email, văn bản số, tin nhắn đa phương tiện, tiếng và video.

1.4 Về giải pháp

Về giải pháp số 3 “Phát triển các mô hình kết hợp giữa cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp công nghệ số, tổ chức nghiên cứu để triển khai Chính phủ số”, đề nghị thêm 1 ý về ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có mức độ làm chủ công nghệ cao của các tổ chức, cá nhân trong nước, nhấn mạnh sản phẩm, dịch vụ là hoặc dựa trên nguồn mở là giải pháp khuyến khích.

Về giải pháp số 5 “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm chủ các công nghệ triển khai Chính phủ số, thúc đẩy ứng dụng và phát triển mã nguồn mở” đề nghị bổ sung việc xây dựng hành lang pháp lý, chiến lược quốc gia về phát triển công nghệ mở.

Đề nghị bổ sung giải pháp hoặc nhiệm vụ “Xây dựng kho phần mềm dùng chung phục vụ Chính phủ số ở qui mô quốc gia”. Tất cả phần mềm dùng cho Chính phủ số được phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mọi cấp đều phải được nộp và duy trì vòng đời tại kho này. Phần mềm trong kho này không bắt buộc phải là Phần mềm nguồn mở nhưng phải được phát triển theo phương pháp Nguồn mở và sẵn sàng cho việc chuyển thành Phần mềm nguồn mở. Phần mềm trong kho cũng được đánh giá và chấm điểm theo các tiêu chí đánh giá Phần mềm nguồn mở quốc tế được tùy biến cho phù hợp và được công bố rõ ràng, minh bạch. Việc làm kho phần mềm dùng chung sẽ tránh được lãng phí do phát triển tự phát, không đồng bộ, đồng thời khuyến khích sự tái sử dụng, được ghi công, qua đó phát triển bền vững và tự chủ. Xin lưu ý giải pháp này là khả thi, đã được phát triển trên thế giới, từng được nghiên cứu và thử nghiệm tại Việt Nam song chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ nên vẫn còn dang dở.

1.5 Về tổ chức thực hiện

VFOSSA ủng hộ vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò "nhạc trưởng", hướng dẫn đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại Chiến lược và xây dựng kế hoạch hành động phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2030 để cụ thể hoá chiến lược này.

Trên đây là các góp ý của VFOSSA cho Dự thảo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. VFOSSA nhiệt liệt ủng hộ và bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho chúng tôi cơ hội được góp ý vào Dự thảo.
Trâm trọng cảm ơn!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập97
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm94
  • Hôm nay14,931
  • Tháng hiện tại54,742
  • Tổng lượt truy cập32,311,985
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây