CLB PMTDNM Việt Nam (VFOSSA)

https://www.vfossa.vn


Những nghề mới hấp dẫn trong lĩnh vực CNTT

Tốc độ phát triển nhanh của CNTT khiến việc tìm kiếm nhân lực luôn gặp khó khăn. Các chuyên gia cần trang bị những kỹ năng gì để đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc mới.
Trong cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội công nghiệp CNTT (CompTIA) đã xuất hiện một số nhu cầu tuyển dụng với những vị trí công việc mới khá lạ với nhiều người như nhân viên thiết kế thực tế ảo, kiến trúc sư IoT, nhà phát triển container (docker - công cụ "đóng gói" ứng dụng với tất cả các thành phần liên quan vào một gói cho phát triển phần mềm). Điều đó cũng chứng minh rằng thị trường việc làm CNTT là dòng chảy liên tục, với công nghệ mới đang nổi lên rất nhanh khiến các nhà quản lý và tuyển dụng luôn phải nỗ lực tìm kiếm nhân lực cho những vị trí mới. Ví dụ như IBM đang tìm kiếm một giám đốc blockchains hay Ford Motor là một trong nhiều công ty tìm kiếm kỹ sư GPU cluster (cụm nhiều bộ xử lí đồ họa). 

 

Nhân viên CNTT cần trang bị thêm nhiều kĩ năng mới để phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ.
Sự thay đổi liên tục này đòi hỏi kĩ năng người làm ở những công việc truyền thống trong lĩnh vực CNTT phải được nâng cao, ví dụ như kĩ sư quản trị mạng được yêu cầu phải trang bị thêm kiến thức về điện toán đám mây hay chuyên gia mạng phải biết sử dụng machine learning (máy học )…

 

Trong số những công nghệ châm ngòi cho cuộc cách mạng CNTT mới là siêu máy tính Watson của IBM và các sáng kiến về điện toán nhận thức (cognitive computing). Những tiến bộ phần cứng cũng đang làm tăng nhu cầu về kỹ năng chưa được đáp ứng và theo kịp. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu sử dụng các cụm GPU để sàng lọc thông tin trong khối lượng dữ liều khổng lồ của họ nhưng việc tìm kiếm kỹ sư và các nhà phát triển có thể viết ứng dụng cho nó là điều tương đối khó khăn hiện nay.

Dưới đây là một số trong những công việc được dự đoán là có nhu cầu rất cao trong một tương lai không xa.

Kỹ sư điện toán nhận thức/Chuyên gia máy học

Lĩnh vực điện toán nhận thức mà IBM khởi xướng với Watson đã cho ra đời các kỹ sư hệ thống nhận thức, một vị trí mà đến nay vẫn chưa được xác định đầy đủ trách nhiệm công việc. Ngay cả IBM cũng không thể định danh cụ thể được “Kỹ sư hệ thống nhận thức” (cognitive systems engineer) nhưng đây vẫn là một phần quan trong trong kế hoạch kinh doanh của hãng. Watson và hệ sinh thái được phát triển từ đó đã mang đến hàng loạt cơ hội nghề nghiệp mới.

SparkCognition là một ví dụ khi IBM sử dụng máy học, phân tích dữ liệu lớn và các công nghệ nhận thức khác để hiểu rõ hơn về các mối đe doạ an ninh. Hay như Point of Care, đối tác của Watson trong lĩnh vực chăm sóc y tế cho phép bác sĩ truy cập nội dung, xử lý bệnh án trên nền tảng di động.

Kỹ sư blockchain

Có thể vị trí này không có nhiều cơ hội việc làm hiện nay nhưng nền tảng về kĩ năng của các kỹ sư trong lĩnh vực  blockchain là sự am hiểu các công nghệ đằng sau Bitcoin, kinh nghiệm chuyên sâu về mã hóa, hệ phân tán, thuật toán băm sẽ luôn được chào đón ở rất nhiều nơi. Hiện tại có hơn 200 doanh nghiệp và các dự án mã nguồn mở đang tìm cách áp dụng công nghệ blockchain cho các ứng dụng kinh doanh, thẻ an ninh hay trong các dịch vụ tài chính. Trên các trang tuyển dụng thì mức lương cho vị trí này giao động từ 150-170 ngàn USD/năm cho kỹ sư có kinh nghiệm trong Python, Bitcoins, và hệ phân tán.

Kỹ sư cụm GPU

Điện toán GPU cải thiện hiệu suất ứng dụng bằng cách giảm tải phần tính toán chuyên sâu của các ứng dụng cho các đơn vị xử lý hình ảnh (GPU). Những GPU hiện đại có khả năng vượt qua các CPU trong việc tính toán và băng thông bộ nhớ, khiến chúng trở thành bộ xử lý lý tưởng nhằm tăng tốc các ứng dụng xử lý dữ liệu song song khác nhau. Lợi thế đó là chìa khóa để các công ty như Facebook, Baidu của Trung Quốc trong việc xử lý các tập tin dữ liệu lớn.

Máy chủ Big Sur của Facebook chạy các ứng dụng máy học (machine learning) và sử dụng nhiều các cụm GPU để tăng hiệu quả xử lý để từ đó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Giám đốc công nghệ của Facebook cho biết rằng hệ thống dựa trên GPU cho khả năng xử lý cao gấp 2 lần nhanh so với các giải pháp thông thường.

Đây là một công nghệ mới có thể được ứng dụng đa ngành, ngay cả như , Ford Motor cũng đang tìm kiếm các kỹ sư GPU cho dự án xe thông minh của mình. Danh sách kĩ năng và yêu cầu tối thiểu cần thiết bao gồm: trên 1 năm kinh nghiệm với GPU, sử dụng công cụ lập trình song song và ngôn ngữ mở rộng… cũng như tành thạo các ngôn ngữ lập trình đó C / C ++, Perl, Python, Java, OpenGL, OpenCV, CUDA, MATLAB…

Kỹ sư thực tế ảo

Thực tế ảo không chỉ có ứng dụng trong lĩnh vực game. Cơ hội dành cho những người có kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực này có thể đến với tờ báo The New York Times khi đây là tòa soạn đầu tiên ứng dụng VR như một công cụ truyền tải thông tin mới.

Một công ty khởi nghiệp đang phát triển máy ảnh 3D là Lucid VR đang tuyển dụng kỹ sư thực tế ảo với các yêu cầu điển hình cho vị trí này. Những kĩ năng đòi hỏi bao gồm: Objective-C, C ++, Computer Vision, C, đồ họa máy tính, phát triển ứng dụng di động, OpenGL ES, C #, OpenGL, DirectX, WebGL, và xử lý hình ảnh kỹ thuật số. Ngoài ra các kỹ sư thực tế ảo còn được quan tâm bởi các hãng công nghệ hàng đầu khi mà gần đây Samsung gây sự chú ý với thiết bị có thể ghi lại hình ảnh thực tế ảo. Một điểm đáng lưu ý khác là việc Goldman Sachs dự đoán thực tế ảo sẽ tạo ra 110 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, vì thế vị trí kỹ sư thực tế ảo thực sự “hot” trong thời gian sắp tới.

Kiến trúc sư IoT

Chúng ta không thể biết có bao nhiêu tỷ thiết bị sẽ được kết nối với Internet trong tương lai, tuy nhiên IoT hiện tại đang là sự quan tâm hàng đầu của rất nhiều công ty sáng tạo, không chỉ là đối với khởi nghiệp. Gần đây, tập đoàn viễn thông Verizon đưa ra khái niệm mới khi họ tìm kiếm vị trí “kiến trúc sư giải pháp IoT” với những đòi hỏi về kỹ năng như kinh nghiệm về giải pháp liên quan đến IoT, M2M (máy đến máy), điện toán đám mây, an ninh bảo mật và SaaS… Điều đáng chú ý ở đây là Verizon muốn kiến trúc sư của mình có những kỹ năng phi kỹ thuật như biết quản lý tài chính để am hiểu giá cả, dự bao và đánh giá lợi nhuận.

Chuyên gia phản hồi bảo mật máy tính

Chuyên gia an ninh mạng từ lâu luôn nằm trong danh sách những công việc “hot” nhất của ngành công nghệ thông tin. Với tính chất ngày càng càng tinh vi của các cuộc tấn công không gian mạng và khả năng sử dụng công nghệ mới như các thuật toán máy học để phân tích, hiểu, và chống lại mối đe dọa đã cơ bản thay đổi bản chất công việc của chuyên gia bảo mật. Giám đốc điều hành của SparkCognition là Amir Husain đã tạo ra một khái niệm mới khi tạo ra một nhóm phản ứng nhanh khi có sự cố xảy ra. Vị trí công việc này đòi hỏi sự hiểu biết về an ninh thông tin và quản lý sự kiện (SIEM- security information and event management). Vị trí tuyển dụng gần đây đáng chú ý là của ngân hàng JPMorgan Chase với yêu cầu như khả năng phân tích cảnh báo từ nhiều nguồn khác nhau trong doanh nghiệp và xác định nguyên nhân. Cung cấp kịp thời những phát hiện, nhận diện và phân biệt sự cố và sự kiện từ những hoạt động bất thường. Kỹ năng mà chuyên gia an ninh này cần trang bị bao gồm một kiến thức cơ bản về mạng, giao thức và phân tích gói tin, công nghệ mã hóa cũng như khả năng viết PL/SQL hoặc SQL script. Các chứng chỉ bảo mật đi kèm bao gồm CISSP, SANS, CEH.

Tác giả: PCWorldVN

Nguồn tin: www.pcworld.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây