Thúc đẩy phát triển phần mềm tự do nguồn mở ở Việt Nam: cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới

Thứ tư - 02/03/2016 01:57
Đã qua rồi giai đoạn hô hào suông và cổ động theo phong trào, việc thúc đẩy phát triển phần mềm tự do nguồn mở ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới với nhận thức sâu sắc và rõ ràng từ phía người làm nghề và doanh nghiệp. Kết quả của việc thúc đẩy phát triển phần mềm tự do nguồn mở ở Việt Nam bây giờ phụ thuộc chính vào các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những biện pháp thúc đẩy phát triển nguồn mở ở Việt Nam trong 2 năm qua để thấy những tồn tại cũng như thấy những cơ hội và thách thức trong giai đoạn tới.
Hội thảo phát triển PMNM trong các cơ quan nhà nước - Một trong những hội thảo thường niên nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng PMNM vào các cơ quan nhà nước.
Hội thảo phát triển PMNM trong các cơ quan nhà nước - Một trong những hội thảo thường niên nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng PMNM vào các cơ quan nhà nước.
Doanh nghiệp ở Việt Nam đã dần trưởng thành

    Lợi ích của phần mềm tự do nguồn mở trong khối doanh nghiệp đã được chỉ rõ trong các tài liệu đào tạo của Viện Hàn lâm Công nghệ mở (Free Technology Academy/ FTA). FTA cũng chỉ rõ: động lực chính thúc đẩy sự phát triển phần mềm tự do nguồn mở chính là lợi ích về kinh tế. Chính vì lẽ đó, cho dù ở trên thế giới, khởi xướng phần mềm nguồn mở là từ các trường đại học nhưng khối doanh nghiệp mới là nhóm nhanh nhạy nhất với việc này.

Viện Hàn lâm Công nghệ mở (Free Technology Academy/ FTA):  được duy trì bởi Viện Tri Thức Tự do (Free Knowledge Institute/ FKI). FTA sáng lập bởi FKI và hai trường đại học Châu Âu: Universitat Oberta de Catalunya (Tây Ban Nha) và Open Universiteit của Hà Lan.

    Thực tế trên thế giới cùng như ở Việt Nam những năm qua đã chứng minh: doanh nghiệp không cần bất cứ thông tư hay chỉ thị nào khuyến khích phát triển phần mềm nguồn mở, ở đâu có lợi ích về kinh tế, ở đó phần mềm nguồn mở được sử dụng. Từ các công ty khởi nghiệp (start-up) cho tới các tập đoàn hàng đầu, càng liên quan nhiều tới công nghệ thông tin, doanh nghiệp sử dụng phần mềm nguồn mở càng nhiều. Nó tự nhiên đến mức doanh nghiệp không quan tâm tới việc đó là phần mềm nguồn mở cũng như không quan tâm nhiều đến lợi ích hoặc triết lý phát triển phần mềm nguồn mở. Đơn giản là động cơ thúc đẩy của phần mềm nguồn mở trong khối này là lợi ích về kinh tế mà họ đạt được. Và, vì có lợi ích về kinh tế, doanh nghiệp ứng dụng phần mềm nguồn mở trong việc điều hành, sản xuất và kinh doanh.

    Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, khối doanh nghiệp đã đạt được sự trưởng thành nhất định về việc ứng dụng phần mềm nguồn mở cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, phát triển phần mềm nguồn mở chưa nở rộ như việc nó được ứng dụng trong khối doanh nghiệp, lý do rất đơn giản: việc phát triển cần nhiều thời gian và nguồn lực, do đó trong ngắn hạn, nó không ngay lập tức tạo ra  lợi nhuận và vì thế động lực kinh tế không phải là động cơ thúc đẩy ngắn hạn. Điều này không có nghĩa là lợi ích kinh tế không phải động cơ thúc đẩy phát triển phần mềm nguồn mở trong tương lai bởi một khi nhận ra điều này là tất yếu, các doanh nghiệp trong nước sau khi kiếm đủ tiền nhờ lợi ích kinh tế từ PMNM, họ sẽ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) như thế giới.

    Xét cho cùng, phát triển phần mềm nguồn mở hiện chưa nở rộ nhưng chưa bao giờ gặp trở lực từ phía doanh nghiệp, vì họ có động cơ thúc đẩy tự nhiên. Trong giai đoạn hiểu biết về PMNM trong các doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, việc nhanh hay chậm lúc này chỉ còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách và hành động từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

    Trở lực từ khối giáo dục

    Đúng 2 năm trước, trong một bài viết có tựa đề “Lối đi nào cho việc ứng dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam?” đăng trên tạp chí CNTT&TT [1], những khó khăn và giải pháp cho việc thúc đẩy phát triển phần mềm tự do nguồn mở ở Việt Nam đã được chỉ ra, trong đó nhấn mạnh việc đưa phần mềm nguồn mở và thúc đẩy tài nguyên giáo dục mở trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo công. Đây được coi là giải pháp toàn diện có thể giải quyết triệt để vấn nạn vi phạm bản quyền, đồng thời giúp xây dựng nguồn nhân lực biết sử dụng phần mềm nguồn mở, mở lối cho phần mềm nguồn mở phát triển trong khối giáo dục và là chất xúc tác cho việc ứng dụng phần mềm nguồn mở vào hoạt động của các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Hãy cùng xem lại những giải pháp này:


Đối với khối không chuyên CNTT: Tập trung cho việc rèn luyện kỹ năng thay vì hướng dẫn sử dụng một phần mềm cụ thể. Thay thế toàn bộ việc học và thi kỹ năng sử dụng phần mềm độc quyền bằng phần mềm nguồn mở tương đương.

Đối với khối nhân lực chuyên công nghệ thông tin: Phải đào tạo về quy trình phát triển phần mềm nguồn mở, đưa vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ và giải pháp sử dụng phần mềm tự do nguồn mở, giấy phép phần mềm nguồn mở, giấy phép tài liệu tự do vào trong giáo trình như một môn học bắt buộc của chuyên ngành công nghệ thông tin.

Bằng cách này chúng ta đồng thời giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc: có nguồn nhân lực biết sử dụng phần mềm nguồn mở sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp, nhanh chóng giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền trong cả khối giáo dục và doanh nghiệp, tạo đà cho sự phát triển của phần mềm nguồn mở trong nước...

Bên cạnh đó, sự hiểu biết về phần mềm tự do nguồn mở và về tài liệu tự do sẽ dẫn theo nhiều lợi ích giúp thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo hướng tận dụng tối đa giá trị của tri thức mở.

    Tuy nhiên, sau 2 năm, thành tựu đạt được trong giáo dục vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. Thậm chí, việc phần mềm độc quyền ngày càng được ủng hộ trong các cơ quan giáo dục nhà nước khiến cho tổ chức xã hội nghề nghiệp về phần mềm nguồn mở phải lên tiếng báo động [2]. Như vậy từ chỗ là động lực, yếu tố giáo dục có thể trở thành một thách thức và là lực cản khiến con đường hướng tới một thị trường công nghệ thông tin năng động và sáng tạo trên cơ sở công nghệ và tri thức mở vẫn còn xa vời. Thúc đẩy phát triển phần mềm tự do nguồn mở ở Việt Nam có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc này. Một khi các nhà quản lý giáo dục còn thờ ơ, thậm chí dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho việc phát triển và ứng dụng phần mềm độc quyền rồi ngụy biện rằng không phân biệt phần mềm nguồn đóng và phần mềm nguồn mở miễn là giới trẻ có kỹ năng, thì khi đó, Việt Nam đã tự biến động lực trong giáo dục trở thành lực cản đối với việc phát triển phần mềm nguồn mở.

    Chính phủ hiện chưa sử dụng tới quyền lực mềm – trao động lực về kinh tế cho doanh nghiệp làm phần mềm nguồn mở.

    Chính phủ, ngoài việc ban hành chính sách thông qua các cơ quan quản lý, còn là khách hàng và là “hộ tiêu dùng” lớn nhất của phần mềm nguồn mở. Trong những năm qua, các cơ quan quản lý làm rất tốt việc ban hành các chính sách khuyến khích phần mềm nguồn mở và đã thành công trong việc “phá băng” tư duy về phần mềm nguồn mở. Từ chỗ “sửa sai” thông điệp “phần mềm nguồn mở là miễn phí”trở thành “phần mềm nguồn mở giúp chính phủ làm chủ công nghệ, dữ liệu và đảm bảo an toàn an ninh thông tin”, đến việc ban hành thông tư ưu tiên mua sắm phần mềm nguồn mở trong chính phủ (thông tư 20/2014/TT-BTTTT) và mới đây nhất là quyết định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT (Quyết định số 80/2014/QĐ-Ttg), chính phủ đã từng bước tạo điều kiện cho phần mềm nguồn mở dần trở lên bình đẳng hơn.
    
    Tuy nhiên, với tư cách là khách hàng và là “hộ tiêu dùng” lớn nhất của phần mềm nguồn mở, các cơ quan nhà nước còn có một thứ quyền lực mềm mà bấy lâu nay chưa được khai thác triệt để. Đó là quyền lực quyết định về kinh tế. Quyền lực này, nếu biết sử dụng, có thể giúp cơ quan nhà nước tối đa hóa lợi ích và đồng tiền đầu tư của mình cũng như bảo vệ chính mình trước những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình đầu tư các dự án phần mềm nói riêng và công nghệ thông tin nói chung (tránh trường hợp bị phụ thuộc vào phần mềm độc quyền). Điều này đã được chỉ ra và thảo luận  trong Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 19 diễn ra ngày 20-22/08/2015 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) [3]. Tại hội thảo này, các đại biểu tham dự chuyên đề “Đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT trong CQNN theo Quyết định số 80/2014/QĐ-Ttg” đã chỉ ra phần mềm nguồn mở là công cụ đảm bảo tính cạnh tranh chống độc quyền trong cung cấp dịch vụ, và giúp cho các chủ đầu tư là các cơ quan nhà nước bảo vệ mình trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ phần mềm/ công nghệ thông tin rút khỏi dự án.

    Thực tế, dưới tư cách là chủ đầu tư, các cơ quan nhà nước có quyền đặt hàng phần mềm theo giấy phép nguồn mở. Quyền được chọn giấy phép cho phần mềm đặt hàng là một thứ quyền lực mềm của chủ đầu tư. Ngoài việc sử dụng thứ quyền lực mềm này để bảo vệ mình, các cơ quan nhà nước còn trao cho các doanh nghiệp thứ động cơ chính để thúc đẩy phần mềm nguồn mở đã được chỉ ra ở phần đàu bài viết. Đây là lợi ích kép giúp thúc đẩy phần mềm nguồn mở. Nếu các cơ quan nhà nước có những bước đi phù hợp, mọi trở ngại sẽ bị phá vỡ. Để điều này xảy ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy định bắt buộc lựa chọn giấy phép phần mềm nguồn mở (trừ trường hợp bất khả kháng) cho các dự án đầu tư xây dựng phần mềm. Việc này cũng tương tự như lựa chọn giấy phép tài liệu mở, học liệu mở cho sách giáo khoa trong khối giáo dục. Chính phủ có tạo được động lực hay tạo ra trở lực như khối giáo dục đã làm, chúng ta hãy chờ thời gian trả lời.

Nguồn tham khảo:
[1] - “Lối đi nào cho việc ứng dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam?” Nguyễn Thế Hùng - Trang 14-18, tạp chí CNTT&TT (ISSN 1859 - 3550) kỳ 2 (8.2013). Bài online: http://vfossa.vn/vi/news/hanh-lang/Loi-di-nao-cho-viec-ung-dung-va-phat-trien-phan-mem-tu-do-nguon-mo-tai-Viet-Nam-75/

[2] - “Thư ngỏ của chủ tịch CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam gửi các cơ quan: Bộ giáo dục & đào tạo, tập đoàn Viettel, Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông, báo Tuổi trẻ, công ty IIG Việt Nam”. Tác giả: Nguyễn Hồng Quang, đăng vào: Thứ bảy, 29-08-2015. Xem: http://vfossa.vn/bao-tuong/thu-ngo-cua-chu-tich-vfossa-gui-bo-gd-dt-tap-doan-viettel-119-491.html

[3] - “Tranh luận sôi nổi về Thuê dịch vụ CNTT tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 19”. Xem: http://vfossa.vn/vi/news/bao-tuong/Tranh-luan-soi-noi-ve-Thue-dich-vu-CNTT-tai-Hoi-thao-hop-tac-phat-trien-CNTT-TT-Viet-Nam-lan-thu-19-195/
 

Tác giả: Nguyễn Thế Hùng

 Từ khóa: sfd

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay4,123
  • Tháng hiện tại149,963
  • Tổng lượt truy cập31,357,631
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây