Triển vọng hợp tác với Fedict, Bỉ về CNTT

Thứ ba - 17/12/2013 09:23
Ngày 23/10/2013, trong khuôn khổ chuyến công tác do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tới châu Âu vào cuối tháng 10 vừa qua, đoàn đã tới làm việc với Cơ quan Dịch vụ Công của Liên bang Bỉ về Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Fedict (Federal Public Service for Information and Communication Technology)
Ngày 23/10/2013, trong khuôn khổ chuyến công tác do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tới châu Âu vào cuối tháng 10 vừa qua, đoàn đã tới làm việc với Cơ quan Dịch vụ Công của Liên bang Bỉ về Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Fedict (Federal Public Service for Information and Communication Technology) để tìm hiểu khả năng hợp tác với cơ quan này trong việc xây dựng thành phần an ninh cho nền tảng OpenRoad của Việt Nam, một nền tảng có nguồn gốc từ Joinup của Ủy ban châu Âu và đang được tích hợp thêm các thành phần khác để tạo thành một nền tảng cho các ứng dụng và dịch vụ chính phủ điện tử.
 
Fedict là cơ quan tư vấn về CNTT-TT cho chính phủ Bỉ, đặc biệt trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, hạ tầng khóa công khai - PKI (Public Key Infrastructure) và chữ ký điện tử, trong đó nổi bật nhất là các dự án về thẻ an ninh điện tử cho các công dân Bỉ và nước ngoài, e-ID.
 
Gặp gỡ với Fedict, Bỉ, ngày 23/10/2013
Ảnh: Làm việc với Giám đốc Công nghệ - CTO của Fedict - Bỉ ngày 23/10/2013
Trong buổi làm việc với đoàn Việt Nam, ông Peter Strickx, Giám đốc công nghệ - CTO của Fedict trình bày bài: “Fedict và chính phủ điện tử ở Bỉ” và giới thiệu các dự án, các sản phẩm của Fedict về eID, hiện đang được áp dụng trong thực tế cho chương trình Chính phủ điện tử của Bỉ, bao gồm:
  • Dự án e-ID Applet, cho phép thẻ an ninh e-ID được sử dụng từ một trình duyệt web một cách thân thiện nhất với người sử dụng, chạy được trên hệ điều hành nguồn mở GNU/Linux, cũng như trên các hệ điều hành sở hữu độc quyền của Apple và Microsoft, chạy được trên một loạt trình duyệt web như Firefox của Mozilla, IE của Microsoft và Safari của Apple.
  • Dự án e-ID Middleware, xây dựng các giao diện, các đầu đọc thẻ để người sử dụng qua đó thực hiện việc ký điện tử đối với các tài liệu văn phòng và thư điện tử thông qua các trình duyệt web và trong các hệ điều hành được nêu ở trên.
  • Dự án jTrust, là một thư viện Java hữu dụng cho việc kiểm tra tính đúng đắn cho các giải pháp thẻ e-ID.
Cả 3 dự án này đều được xuất bản có sử dụng giấy phép của phần mềm nguồn mở (PMNM) đã được tổ chức Sáng kiến Nguồn Mở OSI phê chuẩn, LGPL. Hiện cả 3 dự án này đều được công bố trên Joinup.
Từ đề xuất cụ thể của phía Việt Nam, ông Peter Strickx cũng đã nhấn mạnh tới module BeidIDP. Đây là module e-ID được xây dựng dành riêng cho hệ quản trị nội dung Drupal, chính là phần mềm gốc tạo nên Joinup của EC, Openray của Úc và OpenRoad của Việt Nam. Module này tạo ra sự dễ dàng cho những người sử dụng đầu cuối cũng như các quản trị viên các site làm từ Drupal để sử dụng thẻ an ninh e-ID.
Được biết, hiện nay tại châu Âu, một số quốc gia có chính sách bắt buộc sử dụng các thẻ an ninh dạng như e-ID để sử dụng trong một số các dịch vụ chính phủ điện tử và nhiều dịch vụ xã hội khác như Bỉ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đối với nước Bỉ với khoảng 10 triệu dân, với sự tham gia và hỗ trợ của Fedict, đã có hơn 8.6 triệu thẻ e-ID được phát hành cho tới nay. Ngoài ra, cho tới tháng 03/2009, đã có hơn 100.000 thẻ dành cho trẻ em (Kids-ID) đã được phát hành trong tổng số khoảng 1.3 triệu trẻ em của nước này. Bên cạnh đó, hơn 150.000 thẻ an ninh cho người nước ngoài (Foreigner-ID) cũng đã phát hành trong số khoảng 1.5 triệu người nước ngoài đang sống và làm việc ở Bỉ.

Khi trình bày về kiến trúc toàn bộ hệ thống thẻ, ông Peter Strickx chỉ ra rằng thẻ an ninh e-ID của Bỉ có khả năng sử dụng để ký điện tử cho thư điện tử và các tài liệu văn phòng từ cả các bộ phần mềm văn phòng nguồn đóng cũng như các bộ phần mềm văn phòng nguồn mở. Cụ thể hơn, e-ID làm việc được với các tài liệu văn phòng theo cả tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở (ODF) và XML mở (OOXML).
 
Giống như các dự án PMNM khác, các dự án thẻ an ninh eID của Fedict có một cộng đồng đông đảo lập trình viên từ khu vực đại học của Bỉ tham gia tích cực.
 
Những thông tin tóm tắt ở trên, với thực tế hàng triệu thẻ eID đã và đang được sử dụng một cách bắt buộc theo luật pháp của Bỉ và hoàn toàn dựa vào cộng đồng các dự án PMNM, là những chỉ số rất quan trọng cho tính khả thi và khả năng thành công cao trong triển vọng hợp tác của dự án OpenRoad Việt Nam với Fedict trong tương lai gần.
 
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 12/2013, trang 47.

Tác giả: Administrator

 Từ khóa: fedict, bỉ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây