Tham luận của VFOSSA tại tọa đàm CNTT Việt Nam - Cơ hội và thách thức

Chủ nhật - 23/02/2014 11:30
Toạ đàm “CNTT Việt Nam: Cơ hội và thách thức” được Hội Tin học Việt Nam tổ chức ngày 21/2/2014 tại Hà Nội với sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. VFOSSA tham dự tọa đàm với bài tham luận "Nguồn Mở (Open Source) và Sáng tạo Mở (Open Innovation): Cơ hội cho CNTT Việt Nam" do tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang - chủ tịch VFOSSA - trình bày.
Toạ đàm “CNTT Việt Nam: Cơ hội và thách thức” được Hội Tin học Việt Nam tổ chức ngày 21/2/2014 tại Hà Nội với sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trao bằng khen của Bộ cho các cá nhân và tập thể tiêu biểu của VAIP, trong đó có VFOSSA
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trao bằng khen của Bộ cho các cá nhân và tập thể tiêu biểu của VAIP, trong đó có VFOSSA
 

Nội dung chính của Tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề CNTT-TT Việt Nam đang ở đâu, có những cơ hội gì, cần làm gì để CNTT-TT thực sự phát triển,… Qua đó sẽ có đề xuất, kiến nghị tới Đảng và Chính phủ về những định hướng phát triển ngành phù hợp, hiệu quả.

VFOSSA tham dự tọa đàm với bài tham luận "Nguồn Mở (Open Source) và Sáng tạo Mở (Open Innovation):  Cơ hội cho CNTT Việt Nam" do tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang - chủ tịch VFOSSA - trình bày.
 

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang - chủ tịch VFOSSA

Dưới đây là toàn văn bài tham luận:

Kính thưa quý vị,

Tôi rất vinh dự được BTC mời tham luận tại Tọa đàm hôm nay, thay mặt cho cộng đồng Phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) và Câu lạc bộ PMTDNM Việt Nam (VFOSSA), chi hội của Hội tin học Việt Nam. Chủ đề tham luận của tôi hôm nay là «Nguồn Mở (Open Source) và Sáng tạo Mở (Open Innovation): Cơ hội cho CNTT Việt Nam».

Hôm nay khác với thông lệ, tôi sẽ không nói trực tiếp về PMTDNM mà đề cập đến một khái niệm rộng hơn là «Nguồn mở» (Open Source) và một khái niệm mới được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây: “Sáng tạo mở” (Open Innovation). Với thời gian hạn chế được phép, tôi sẽ cố gắng lý giải vì sao NM và sáng tạo mở có thể xem là cơ hội cho CNTT VN? Quan hệ giữa nguồn mở với sáng tạo mở là như thế nào? Cộng đồng PMTDNM Việt Nam đang ở đâu và có vị thế ra sao trong cộng đồng CNTT VN? Những khó khăn và thách thức gì đang đặt ra trước mắt chúng tôi và cộng đồng PMNM VN có thể đóng góp gì cho CNTT Việt Nam và ngược lại cộng đồng cần sự hỗ trợ gì từ phía Nhà nước và các cơ quan hữu quan?

Kính thưa quý vị.

«Nguồn mở» (Open Source), như phần lớn các vị đã biết, là một khái niệm bắt nguồn từ phong trào PMTD và PMNM trong hai thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Tư tưởng, mô hình phát triển và quảng bá của PMTDNM sau đó đã được khái quát hóa và áp dụng vào các lĩnh vực khác nhau chứ không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi phần mềm. Ngày nay chúng ta có Tài liệu nguồn mở (Open Source Documentation), Nghệ thuật nguồn mở (Open Source Art), Học liệu mở (Open Courseware), Phần cứng mở (Open Hardware), Giáo dục mở (Open Education), Học trình trực tuyến mở (Massive Open Online Courses), Công nghệ thân thiện nguồn mở (Open Source Appropriate Technology), v.v... Các giấy phép sử dụng của PMTDNM cũng được thích nghi thành các giấy phép tài liệu mở, phần cứng mở, v.v... Tư tưởng thấm nhuần chung trong các loại hình «nguồn mở» này là tự do chia sẻ, có thể tùy biến, miễn phí bản quyền.

Sáng tạo mở (Open Innovation) là một khái niệm mới hơn, ra đời vào năm 2001. Đây là một phương thức sáng tạo dựa trên chia sẻ, hợp tác giữa các công ty. Nó vừa tương thích với kinh tế thị trường (thông qua bằng sáng chế và giấy phép) hoặc Kinh doanh thông minh, nhưng cũng cho phép các cách tiếp cận dựa trên nền tảng đạo đức và đoàn kết (kinh tế đoàn kết), cho phép tự do chia sẻ kiến thức và kỹ năng, hiện đại hay truyền thống, bao gồm cả việc sử dụng các giấy phép tự do theo tinh thần của dữ liệu mở, nguồn mở, chuẩn mở. Sáng tạo mở có thể đã được truyền cảm hứng từ nguồn mở, nhưng không phải dẫn xuất từ tư tưởng nguồn mở, mặc dù có chung chữ “Open”. Sáng tạo mở có một số quan hệ với nguồn mở song không tương đương. Sáng tạo mở và Nguồn mở đều dựa trên các giá trị và các công cụ pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng cho phép chia sẻ chứ không ngăn cản. Sáng tạo mở đang là một xu hướng tất yếu của Kinh tế tri thức ngày càng được nhắc tới nhiều trong bối cảnh thế giới phẳng và hội nhập ngày nay.

Nguồn mở là cơ hội cho CNTT Việt Nam. Thật vậy, với sự mở rộng của tư tưởng nguồn mở không chỉ bó hẹp ở phần mềm, trào lưu nguồn mở sẽ cho phép chúng ta được tận dụng những thành quả của nhân loại trong nội dung số, học liệu, thiết kế phần cứng, v.v... như chúng ta đã và đang làm với PMNM. Chúng ta có thể phân phối, cải tiến, tùy biến, thích nghi các tài nguyên Open-source này cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, và đến một chừng mực nào đó, chúng ta có thể đóng góp lại cho cộng đồng quốc tế. Cũng như với PMNM, chúng ta sẽ tiết kiệm được những chi phí không nhỏ mua bản quyền, xây dựng và tăng cường văn hóa tôn trọng sở hữu trí tuệ, giảm thiểu vi phạm bản quyền, nâng cao vị thế của CNTT Việt Nam trên trường quốc tế.

Sáng tạo mở đang là điểm ngắm của của nguồn mở, đặc biệt của PMNM. Mô hình sáng tạo truyền thống khép kín quy chiếu trong những năm 80 của thế kỷ trước nay đã trở nên lỗi thời. Nguồn mở đã tạo ra một mô hình phát triển, một hệ sinh thái mới với sự hỗ trợ của Internet. Cơ sở mã nguồn tự do của phần mềm tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm và với nhịp điệu như vậy, ngày nay lô-gic nguồn mở đã và đang trở thành quy chiếu thay cho mô hình sở hữu. Chúng ta cần ý thức rằng phương pháp tiếp cận Sáng tạo mở sẽ là chìa khóa cho xã hội thông tin - và PMTDNM sẽ là đội quân tiên phong cho công cuộc này. Nguồn mở đang mở ra bước ngoặt mới cho chiến lược sáng tạo. Tồn tại cả một mảng mô hình kinh tế dựa trên Nguồn mở, thích nghi được với mọi kích cỡ công ty cũng như mọi lĩnh vực của xã hội hiện đại ngày nay.

Tuy nhiên, thực tế Việt Nam hơn một thập kỷ qua cho thấy không dễ dàng thuyết phục được mọi người về cơ hội do Nguồn mở đem lại và tận dụng được nó. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ nhỡn tiền bị tụt hậu so với các nước khác trong khu vực trong việc tận dụng cơ hội nguồn mở. Chúng tôi mong các nhà hoạch định chính sách sẽ sớm nhận ra thiếu sót này và có biện pháp khắc phục kịp thời trước khi quá muộn.

Quan điểm của chúng tôi là: để tận dụng được cơ hội do Nguồn mở đem lại, chúng ta cần có tầm nhìn trung và dài hạn (5-10 năm) vì vấn nạn ăn cắp bản quyền sẽ chỉ có thể được đẩy lui trong dài hạn. Tư duy ngắn hạn, cốt cho xong việc sẽ không bao giờ tận dụng được cơ hội Nguồn mở. Nguồn mở có thể phát huy tác dụng rất tích cực trong giáo dục. Sự xuống cấp và lạc hậu của ngành giáo dục đang là nỗi nhức nhối của cả xã hội. Chúng tôi cho rằng CNTT phải đột phá ở đây. Nhà nước cần đầu tư cho CNTT trong giáo dục, trong khoa học công nghệ và các ngành nghề khác. Nguồn mở có thể đóng góp rất tích cực, thậm chí làm đội quân tiên phong trong lĩnh vực giáo dục. Có nhiều ý tưởng khả thi mà cộng đồng nguồn mở sẵn sàng chia sẻ. Một vài dự án đã được thử nghiệm và đã cho một số kết quả tích cực. Tuy nhiên để có thể gây được hiệu ứng trên diện rộng và bền vững, cần có quyết tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất, có tầm nhìn và đầu tư dài hạn.

Trong những năm qua, cộng đồng PMTDNM Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Cộng đồng đã có tổ chức đại diện là CLB VFOSSA bên cạnh Hội THVN. Chúng tôi dã bước đầu có một số đóng góp tích cực cho Nhà nước, Bộ TT&TT, Bộ KH&CN và cho cộng đồng CNTT. Chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho các cơ quan như Bộ GD&ĐT, cho các đề án CNTT quốc gia như đề án “nước mạnh về CNTT” của Chính phủ đề xuất.

Quan sát những thành công về CNTT của một số nước trong khu vực, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, chúng tôi cho rằng Nguồn mở và Sáng tạo mở đang là cơ hội hàng đầu, nếu không nói là duy nhất để tạo bước nhảy vọt cho CNTT Việt Nam, để thực hiện được tham vọng đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trong thời gian 5-10 năm tới. Thật vậy, chỉ có con đường Nguồn mở mới có thể huy động được sức mạnh toàn dân, phát huy được trí tuệ và sự năng động của tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc chấn hưng kinh tế nước nhà, giống như các bậc tiền bối cách mạng đã sử dụng chiến tranh nhân dân để chiến thắng giặc ngoại xâm. Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội này và quay lưng lại với Nguồn mở thì chúng tôi tin rằng dù cố đến đâu, chúng ta cũng sẽ chỉ là kẻ đi theo, không bao giờ tạo ra được bản sắc riêng và thoát khỏi vòng bị lệ thuộc, khóa trói như chúng ta đã, đang và sẽ còn nếm trải.

Chúng tôi hoàn toàn ý thức được rằng tận dụng cơ hội Nguồn mở và hòa nhập được với trào lưu Sáng tạo mở là cả một chặng đường dài và còn vô vàn thách thức ở phía trước. Chúng tôi mong muốn nhận được sự động viên của cộng đồng CNTT, sự ủng hộ và tạo điều kiện về mặt pháp lý từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt sự quan tâm từ UBQG về ứng dụng CNTT&TT. Chúng tôi luôn săn sàng đối thoại, cộng đồng có nhiều ý tưởng và kiến nghị tâm huyết, hy vọng sẽ có dịp được trình bày đầy đủ và rõ ràng hơn với UBQG.

Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị.

Tác giả: Tin: Nguyễn Thế Hùng, Ảnh: Nguyễn Vũ Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay6,657
  • Tháng hiện tại152,497
  • Tổng lượt truy cập31,360,165
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây