Phần mềm nguồn mở Việt Nam - 12 năm nhìn lại!

Thứ năm - 02/02/2017 17:32
Khi quyết định số 235/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ ngày 02/03/2004 phê duyệt Dự án tổng thể "ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008" ra đời có thể coi là bước tiên phong của Việt Nam trong việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở, nó được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá về công nghệ. Tuy nhiên, đến năm 2016, sau 12 năm được thúc đẩy ở Việt Nam, việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở vẫn còn ở khâu “thay đổi nhận thức”. Hãy cùng chúng tôi tổng kết lại các hoạt động về phần mềm nguồn mở Việt Nam cũng như trên thế giới năm 2016 và những đề xuất chính sách đối với việc phát triển phần mềm nguồn mở trong giai đoạn mới, khi phong trào phần mềm nguồn mở trên thế giới đã đạt được những bước tiến vượt bậc so với 12 năm trước.
Nhìn ra thế giới

Trong 12 năm qua, phần mềm nguồn mở trên thế giới đã phát triển vượt bậc cả về công nghệ cũng như tạo đà ảnh hưởng tới các lĩnh vực có liên quan như dữ liệu mở (open data), tài nguyên giáo dục mở (OER- open educational resources), phần cứng nguồn mở (open hardware)…
Nếu như năm 2004, công cụ quản lý mã nguồn git chưa ra đời[1], thì hiện nay nó đã trở thành công cụ cộng tác lập trình mạnh nhất thế giới. Bản thân git cũng là phần mềm nguồn mở, và nhờ có git, khái niệm “mạng xã hội dành cho lập trình viên” (social coding) cũng ra đời. Điển hình của mô hình mạng xã hội dành cho lập trình viên là github.com, đây là nơi lưu trữ kho code, nơi cộng tác làm việc của hàng chục ngàn người phát triển Linux (và vô số phần mềm nguồn mở khác) trên toàn thế giới.
 
Một thống kê vào tháng 2 năm 2015, chỉ tính từ năm 2005 khi bắt đầu sử dụng git, có 11.800 cá nhân từ gần 1.200 công ty đã đóng góp cho nhân Linux[2]. Với số lượng lập trình viên lớn ở khắp mọi nơi trên thế giới, làm trong mọi khung giờ, vậy mà họ vẫn có thể cộng tác với nhau mượt mà, cũng là nhờ có công cụ quản lý mã nguồn mở git.
 
Các doanh nghiệp phần mềm truyền thống theo đuổi mô hình phần mềm nguồn đóng trên thế giới quen chống đối mô hình phát triển phần mềm nguồn mở cũng thay đổi 180 độ trước những lợi ích không thể chối cãi của phần mềm nguồn mở, điển hình là Microsoft. Nếu như vào năm 2001, Steve Ballmer (CEO của Microsoft) đã ví hệ điều hành Linux là “căn bệnh ung thư”, bởi hệ điều hành này đang xâm chiếm thị phần với Windows trên thị trường máy tính cá nhân, thì năm 2012, Microsoft thành lập công ty con là Microsoft Open Technology chuyên phát triển phần mềm nguồn mở[3]. Tháng 6 năm 2016, Microsoft công bố phần mềm nguồn mở .NET Core 1.0, và gần đây nhất là Microsoft gia nhập Linux Foundation[4], không ai ngờ Microsoft thậm chí còn là thành viên bạch kim (cấp bậc thành viên cao nhất của Linux Foundation). Những động thái này của Microsoft làm giới công nghệ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tuy nhiên những ai am hiểu lợi ích của phần mềm nguồn mở thì không hề bất ngờ, vì một trong những thứ dẫn dắt cho sự phát triển mạnh mẽ của phần mềm nguồn mở chính là lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, phần mềm nguồn mở là phương thức giúp thúc đẩy sáng tạo, đổi mới khoa học công nghệ thông qua việc hội tụ và tích lũy tri thức cộng đồng, qua việc cống hiến tài sản trí tuệ của các tổ chức và cá nhân những người tham gia thành tài sản chung cho cộng đồng nguồn mở.
 
Satya Nadella - CEO Microsoft: Microsoft yêu Linux, nguồn: Microsoft

Satya Nadella - CEO Microsoft: Microsoft yêu Linux, nguồn: Microsoft
 
Hãy cùng điểm lại những sự kiện chính năm 2016 trên toàn cầu liên quan đến phần mềm nguồn mở:
 
Tháng 1 năm 2016: Quốc hội Pháp muốn bắt buộc các cơ quan hành chính nhà nước của quốc gia này công khai mã nguồn các giải pháp phần mềm được xây dựng tùy biến của nó[a]. Thậm chí, Liên minh Châu Âu (EU) còn cấp tiền cho việc nghiên cứu lập trình nguồn mở, bao gồm kiểm tra mã, kiểm thử an toàn và mã hóa.
 
Tháng 2 năm 2016: Trong một bài viết của John Allison - một sỹ quan quân đội đã nghỉ hưu, có kinh nghiệm hơn 20 năm làm quản lý công nghệ thông tin và kỹ sư hệ thống – đã tiết lộ về những khó khăn của ông khi đưa phần mềm nguồn mở vào triển khai cho Không quân Mỹ trong thời gian phụ trách Trung tâm Điều hành hàng Không và Vũ trụ (AOC - Air and Space Operations Center). Điều này cho thấy hóa ra không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả quốc gia tiên tiến như Mỹ, phần mềm nguồn mở cũng phải trải qua những quá trình đấu tranh rất vất vả để có chỗ đứng và vị thế trong những lĩnh vực then chốt.

Tháng 7 năm 2016: Balan công bố họ đang hoàn tất chương trình dữ liệu mở quốc gia của mình.
 
Tháng 8 năm 2016: Văn phòng Điều hành Tổng thống của Mỹ công bố Chính sách mã nguồn Liên bang trong đó yêu cầu trong vòng 3 năm tới, các cơ quan liên bang Mỹ sẽ phải xuất bản ít nhất 20% các phần mềm tùy chỉnh được làm mới của họ như là nguồn mở. Cũng trong tháng này, Cảnh sát Litva đã hoàn thành việc chuyển sang bộ phần mềm văn phòng nguồn mở LibreOffice và bắt đầu thử nghiệm chuyển đổi sử dụng Linux. Còn quân đội Ý cũng bắt đầu chuyển 8.000 máy tính sang sử dụng LibreOffice và đang thí điểm sử dụng phần mềm thư điện tử Zimbra.
 
Tháng 10 năm 2016, kho mã nguồn liên bang Mỹ (www.code.gov) được công bố. Cổng này sẽ phục vụ như là kho phần mềm của tất cả các phần mềm mà chính phủ Mỹ đang mua sắm hoặc xây dựng. Bản thân mã nguồn của cổng này cũng được cung cấp theo giấy phép Creative Commons Zero (đưa toàn bộ bản quyền của mã nguồn này vào phạm vi công cộng). Cùng thời gian này, hạ viện Hà Lan đã phê chuẩn đưa vào luật quy định các tiêu chuẩn mở thành bắt buộc cho các cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi đó Balan công bố sẽ tạo kho mã nguồn trung tâm, nhằm để tạo thuận lợi cho việc chia sẻ và sử dụng lại các giải pháp CNTT-TT. Kho là một phần của toàn bộ chiến lược chính phủ điện tử của quốc gia và đã được áp dụng vào tháng 9.
 
Tháng 11 năm 2016, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức đã quyết định dành 1,2 triệu EUR trong vòng 2 năm tới để tạo ra một cổng tổng hợp các tài nguyên giáo dục mở.

Năm 2016 cũng là năm các doanh nghiệp liên tục tung các ứng dụng phần mềm nguồn mở có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực công nghệ và đời sống. Cụ thể:
 
Tháng 1 năm 2016, Engine Javascript Chakra của Microsoft trở thành mã nguồn mở trên github.
 
Tháng 2 năm 2016, IBM giới thiệu một công cụ phát triển mã nguồn mở mới được gọi là Quarks[5]. Công cụ này được cho là sẽ giúp các nhà sản xuất và nhà lập trình phát triển ứng dụng của mình hiệu quả hơn, dựa trên dữ liệu từ các cảm biến của thiết bị Internet of Things (IoT). Trong khi đó, một thư viện mã nguồn mở của Google có tên gọi TensorFlow đang được các lập trình viên sôi sục nghiên cứu vì nó kỳ vọng giúp cho bất cứ ai có thể tạo ra chiếc máy tính thông minh có khả năng tự lập trình (công nghệ "máy học").
 
Tháng 3 năm 2016, Microsoft quyết định chia sẻ Software for Open Networking in the Cloud (SONiC) của mình như một đóng góp của mình cho Open Compute Project (OCP), một tổ chức được thành lập bởi Facebook nhằm mục đích xây dựng thiết kế mở cho các server và phần cứng máy tính, giúp các công ty khác có thể xây dựng các trung tâm dữ liệu có kiến trúc điện toán hiện đại tương tự như những gì Facebook đang sử dụng để vận hành mạng xã hội khổng lồ của mình.
 
Tháng 4 năm 2016, Nginx, công ty quản lý hệ điều hành nguồn mở Nginx, nhận được khoản đầu tư 8 triệu USD từ hãng viễn thông Telstra (Úc). Công ty 100 người này có ảnh hưởng rất lớn trên internet vì Nginx cực kỳ phố biến. Có tới 150 triệu website sử dụng máy chủ web Nginx và chiếm 49,2% trong tổng số 1.000 trang web đông người truy cập nhất thế giới sử dụng Nginx. Nginx vượt xa so với các đối thủ cạnh tranh bao gồm IIS của Microsoft (chiếm 6,8%), Google server (chiếm 9,8%) và server web Apache (chiếm 26,6%). Ngay cả NASA cũng sử dụng Nginx cho trang web truyền video từ tàu thăm dò Curiosity Mars tới hàng triệu người xem cùng lúc.
 
Cùng thời gian này, Tổ chức từ thiện chính thức của Google, Google.org cam kết sẽ trao tặng 20 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận trên thế giới để phát triển công nghệ mã nguồn mở phục vụ cho người tàn tật.
 
Tháng 6 năm 2016, Software Heritage – Một dự án thư viện mã nguồn phần mềm khổng lồ ra mắt với tham vọng thu thập, bảo quản, và chia sẻ tất cả các phần mềm có mã nguồn được công bố công khai tại địa chỉ www.softwareheritage.org. Dự án được khởi xướng viện nghiên cứu INRIA của Pháp vào năm 2015 và cho tới lúc ra mắt đã có 29 tổ chức tuyên bố ủng hộ dự án, đáng chú ý có công ty Microsoft là đối tác cung cấp hạ tầng Azuze và Viện nghiên cứu Dans là đối tác khoa học quốc tế của dự án.
 
Ngày 07 tháng 07 năm 2016, Facebook ra mắt dự án OpenCellular nhằm tạo ra một hệ sinh thái không dây mã nguồn mở. Không lâu sau đó, tháng 10 năm 2016 Facebook ra mắt một bộ switch quang học mang tên Voyager chuyên dùng trong các hạ tầng mạng, data center cũng như nhà mạng. Đặc biệt là Voyager được mở hoàn toàn thiết kế cho nên bất kỳ công ty nào cũng có thể sản xuất nó nếu muốn. Có thể nói Voyager là phát súng đầu tiên mà Facebook khơi mào để “cỗ xe tăng” mang tên OpenCellular tiến những bước xa hơn. Điều này được đánh giá là sẽ khiến Cisco, Huawei, Alcatel lo lắng vì rất có thể OpenCellular sẽ là một thế lực có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường viễn thông có giá trị tới 500 tỉ USD.

Tháng 9 năm 2016, Microsoft vượt Facebook trở thành doanh nghiệp có số nhân viên tham gia đóng góp cho phần mềm nguồn mở nhiều nhất thế giới[6].
 
Tháng 10 năm 2016, WalmartLabs mở mã nguồn ứng dụng vận hành Walmart.com có tên gọi là Electrode nhằm ứng phó với việc Facebook ra mắt chợ bán hàng Facebook Marketplace. Đây là một trong những động thái cho thấy xu thế sử dụng phần mềm nguồn mở để tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại, lợi thế về công nghệ.

Các sự kiện phần mềm nguồn mở đáng chú ý ở Việt Nam trong năm 2016
 
Tháng 1 năm 2016, phần mềm nguồn mở NukeViet chính thức ra mắt CMS phiên bản mới[b] - thế hệ NukeViet CMS 4.0. NukeViet được coi là phần mềm nguồn mở có lịch sử phát triển lâu đời nhất ở Việt Nam, được duy trì từ năm 2004 và được phát triển liên tục cho đến ngày nay. Ngoài NukeViet CMS được phát hành dưới dạng phần mềm nguồn mở, còn có NukeViet Shop sử dụng cho bán hàng trực tuyến. Số lượng website sử dụng NukeViet CMS và NukeViet Shop ước tính trên 10.000 trang. Một số giải pháp khác của NukeViet cũng được sử dụng phổ biến, bao gồm: NukeViet Edu Gate là giải pháp cổng thông tin chuyên dùng cho các phòng, sở giáo dục với khả năng tích hợp với website các trường, NukeViet Portal là giải pháp cổng thông tin chuyên dùng cho doanh nghiệp, NukeViet eNews là giải pháp tòa soạn điện tử dựa trên phần mềm nguồn mở NukeViet… Nhóm phát triển NukeViet cũng dự định ra mắt một sản phẩm nguồn mở có tên gọi NukeViet eGovernment dùng cho khối chính phủ trong thời gian tới. Sự phát triển liên tục của NukeViet là tín hiệu đáng mừng vì trong khi hầu hết các sản phẩm nguồn mở của Việt Nam hầu hết không tồn tại được quá 3 năm vì không thể kinh doanh được thì NukeViet đã tìm ra còn đường đi của mình[7].
 
Cổng thông tin của Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT xây dựng bằng phần mềm nguồn mở NukeViet, Ảnh chụp màn hình]

Cổng thông tin của Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT xây dựng bằng phần mềm nguồn mở NukeViet, Ảnh chụp màn hình

Tháng 2 năm 2016, Tập đoàn VNPT có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập đoàn gỡ bỏ toàn bộ phần mềm Microsoft Office và thay bằng LibreOffice nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm. Sau khi tái cơ cấu, với 15.000 nhân viên, chỉ riêng VNPT-Vinaphone sẽ cần tới 15.000 máy tính cho nhân viên làm việc, nếu số lượng máy tính này đều cần trang bị bộ phần mềm văn phòng thương mại và chi phí trung bình cho mỗi bộ phần mềm là 1 triệu đồng/năm hoặc 2 triệu đồng/ lần (nếu mua số lượng lớn) thì sẽ cần tới 15 tỷ đồng/ năm hoặc ít nhất là 30 tỷ đồng (nếu mua 1 lần, phần mềm mua một lần thường được hỗ trợ nâng cấp trong vòng 3-5 năm). Như vậy với việc sử dụng phần mềm nguồn mở LibreOffice, tập đoàn VNPT trước mắt có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, đồng thời tránh được án phạt vi phạm bản quyền với mức tiền phạt không hề nhẹ, không những thế chuyện vi phạm bản quyền phần mềm có thể khiến VNPT bị cấm cửa khi kinh doanh tại các thị trường quốc tế do bị coi là cạnh tranh không lành mạnh nhờ vi phạm bản quyền phần mềm. Xu hướng chuyển sang sử dụng phần mềm nguồn mở có thể là lối thoát cho các doanh nghiệp Việt Nam khi việc thanh tra, xử lý vi phạm bản quyền phần mềm ngày càng được siết chặt. Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm được nâng lên đến 500 triệu đồng. Thậm chí, vi phạm bản quyền phần mềm có thế bị xử lý hình sự. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cân đối đến chuyện sử dụng phần mềm nguồn mở để thay thế[8].

Cũng trong tháng này, DrupalCamp Lần Đầu Tiên Tổ Chức Tại Việt Nam. Đây là sự kiện lớn đầu tiên của cộng đồng Drupal Việt Nam, là dịp để các chuyên gia, lập trình viên, những thành viên yêu thích nguồn mở, đang làm việc với Drupal gặp gỡ, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm[b].
 
Tháng 3 năm 2016, với sự hỗ trợ của Open Knowledge Foundation và trường đại học Thăng Long, CLB PMTDNM Việt Nam (VFOSSA) sẽ tổ chức Ngày Dữ liệu Mở (OpenData Day) quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam tại Đại học Thăng Long. Ngoài cộng đồng OpenData Vietnam và VFOSSA, sự kiện cũng chào đón nhiều diễn giả và khách tham dự đến từ Nhân hàng thế giới (WorldBank), các NGOs (tổ chức phi chính phủ), cơ quan chính phủ, trường đại học và cả các đại diện đại sứ quán một số nước[b].
 
Tháng 4 năm 2016, Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L (D&L) chính thức ký hợp đồng cung cấp dịch vụ triển khai phần mềm quản lý tài nguyên số Dspace cho International Centre for Education In Islamic Finance (INCEIF) tại Malaysia. Đây là hợp đồng dịch vụ triển khai phần mềm quản lý thư viện dựa trên các nền tảng nguồn mở đầu tiên của công ty D&L tại thị trường nước ngoài[b].
 
Tháng 5 năm 2016, Cộng đồng OpenCPS ra mắt với 13 đơn vị, công ty thành viên. Hệ thống phần mềm lõi cho dịch vụ công trực tuyến do cộng đồng OpenCPS xây dựng đã phát hành bản chính thức đầu tiên vào 15/5. OpenCPS Được phát hành theo giấy phép nguồn mở AGPL, đây là phần mềm dịch vụ công trực tuyến được thiết kế tổng quát đáp ứng nghiệp vụ của tất cả các thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước. OpenCPS cung cấp giải pháp công nghệ sẵn sàng cho việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất (mức độ 4) và các mức độ thấp hơn mà không cần phải lập trình bổ sung ngoài phần xử lý nghiệp vụ cho từng chuyên ngành[9].
 
Tháng 9 năm 2016, sự kiện Software Freedom Day (SFD) hay còn gọi là Ngày hội Tự do Nguồn mở đã diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội với sự tham dự của hơn 500 sinh viên ngành CNTT, Điện tử viễn thông các trường Đại học hàng đầu tại Việt Nam như Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bưu chính Viễn thông … Software Freedom Day (SFD) là sự kiện thường niên, được tổ chức hằng năm vào ngày thứ Bảy tuần thứ ba của Tháng 9 trên toàn thế giới, dành cho bất cứ ai yêu và quan tâm đến nguồn mở. Cộng đồng nguồn mở Việt Nam đã hưởng ứng ngày hội này từ năm đầu tiên 2004 và liên tục duy trì, mở rộng. SFD đã trở thành một hoạt động chính thức của VFOSSA – CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt nam. Sự kiện này có ý nghĩa lớn trong thúc đẩy đào tạo và ứng dụng các công nghệ mở trong cộng đồng CNTT Việt Nam. Software Freedom Day 2016 được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ. Sự kiện được tổ chức bởi Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam[b].

Tháng 10 năm 2016, kho học liệu mở là các bài giảng chính thống đầu tiên ở Việt Nam ra đời dưới sự hợp tác của Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) và Cục Công nghệ Thông tin - Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: https://elearning.moet.edu.vn, dự kiến trong năm 2017, hàng ngàn bài giảng sẽ được đưa lên kho dữ liệu này nhờ việc đưa các sản phẩm tham dự cuộc thi quốc gia “Thiết kế bài giảng e-Learning” năm 2016 trở thành tài nguyên giáo dục mở. Đây cũng là năm đầu tiên sau 4 năm cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning được tổ chức, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu hướng tới xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER: Open Education Resource) được đưa thành một mục tiêu chính của cuộc thi[10].

Kho học liệu mở chính quy đầu tiên ở Việt Nam, Ảnh chụp màn hình]

Kho học liệu mở chính quy đầu tiên ở Việt Nam, Ảnh chụp màn hình

Ngày 22/11/2016, Cục đường thủy nội địa Việt Nam khai trương 32 dịch vụ công trực tuyến mức 3&4 thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa. Các dịch vụ này được xây dựng dựa trên phần mềm nguồn mở OpenCPS. Như vậy OpenCPS trong thời gian ngắn đã chính thức đánh dấu sự hiện diện của mình trong lĩnh vực Dich vụ công ở các Cơ quan quản lý Nhà nước.

Những tín hiệu vui từ sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam
 
Phần mềm nguồn mở ở Việt Nam sau nhiều năm được vận động và thúc đẩy ở Việt Nam vẫn chưa thể phát triển rộng rãi thì nay, sự ra mắt của Công ty Cổ phần phát triển Nguồn mở và Dịch vụ FDS và phần mềm dịch vụ công trực tuyến OpenCPS cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh bằng phần mềm nguồn mở đã thực sự thay đổi.
 
Trước đây doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng phần mềm nguồn mở để phục vụ công việc kinh doanh nhiều, tuy nhiên trường hợp của FDS thì khác: lần đầu tiên, dưới sự giúp đỡ của VFOSSA, một doanh nghiệp ở Việt Nam đã bắt tay xây dựng cộng đồng, xây dựng và phát triển một phần mềm nguồn mở mới theo đúng cách làm phần mềm nguồn mở theo chuẩn của thế giới, mà sự hình thành của phần mềm không phải từ yêu thích công nghệ mà hoàn toàn là một chiến lược kinh doanh: chiến lược kinh doanh phần mềm dựa trên phương pháp phát triển phần mềm nguồn mở.
 
“Hiện tượng” này cho thấy độ chín về công nghệ, về hiểu biết, về phương pháp luận trong việc phát triển và kinh doanh phần mềm của doanh nghiệp Việt Nam đối với phần mềm nguồn mở. Nó dần thay thế cho phương thức kinh doanh và phát triển phần mềm cũ theo kiểu độc quyền và phù hợp với xu thế chung của thế giới: làm việc cộng tác, chia sẻ giá trị và tri thức, chia sẻ công nghệ.
 
Theo cách kinh doanh phần mềm nguồn mở, tất cả tinh hoa công nghệ, thành quả sản phẩm sẽ được công khai hoàn toàn trên internet, chia sẻ tự do cho tất cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Một khi tinh mọi thành quả và tinh hoa công nghệ được chia sẻ và hội tụ, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khi đó mọi người dân đều được lợi, quốc gia sẽ được lợi.
 
Lựa chọn phương thức phát triển phần mềm nguồn mở để kinh doanh sẽ có nhiều thách thức, tuy nhiên hệ sinh thái kinh doanh của phần mềm nguồn mở sẽ là một hệ sinh thái bền vững, một khi doanh nghiệp đã thiết lập được nó một cách hoàn chỉnh, rất khó để phá vỡ nó. Rõ ràng, lựa chọn làm phần mềm nguồn mở với thương hiệu riêng chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đang tiến một bước tiến dài trong lĩnh vực nguồn mở so với việc bao năm nay chỉ chủ yếu cung cấp dịch vụ dựa trên các phần mềm nguồn mở có sẵn.

Và những thách thức vẫn còn đó…
Một sự kiện thông thể bỏ qua khi nhắc đến phần mềm nguồn mở đó là Hội thảo Phát triển phần mềm nguồn mở Việt Nam được tổ chức định kỳ vào tháng 12 hàng năm ở quy mô quốc gia. Đây là sự kiện dành cho các cơ quan nhà nước, do Vụ Công nghệ Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức dưới sự phối hợp của CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam. Mục tiêu của hội thảo năm 2016 vẫn là “thay đổi nhận thức” của cả cơ quan quản lý trung ương và địa phương đối với phần mềm nguồn mở, trong khi thách thức lớn hơn nhiều được đặt ra bao năm qua vẫn chưa thể giải quyết triệt để:
 
- Luẩn quẩn bài toán con gà hay quả trứng có trước: muốn ứng dụng phần mềm nguồn mở vào trong các cơ quan nhà nước thì đòi hỏi phải có số lượng phần mềm nguồn mở phong phú & nguồn nhân lực về phần mềm nguồn mở tốt. Nhưng nhìn ở góc độ doanh nghiệp, muốn có nhiều phần mềm nguồn mở ngon thì doanh nghiệp phải thấy cơ hội và thị trường rộng mở, thị trường nguồn nhân lực cũng đòi hỏi tương tự. Chính phủ và các cơ quan quản lý đòi hỏi ở cộng đồng phần mềm nguồn mở phải thế nọ, thế kia mà quên đi vai trò là chính của cơ quan quản lý phải thúc đẩy nó phát triển vì lợi ích của chính họ, sau đó mới là lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
 
- Bản thân giới doanh nghiệp CNTT còn ngờ vực về tính hiệu quả dưới góc độ kinh doanh khi sử dụng phương pháp phát triển phần mềm theo dạng phần mềm nguồn mở. Nhưng lại kéo theo một vài ngờ vực của chính phủ và các nhà quản lý về việc triển khai và thúc đẩy phát triển phần mềm nguồn mở. Trong khi đáng ra, ở góc độ quản lý, các nhà quản lý phải xây dựng môi trường tốt nhằm thúc đẩy PMNM phát triển để giới doanh nghiệp vào cuộc và hưởng ứng rộng rãi hơn.
 
- Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cho đến nay mới chỉ dừng lại ở việc ra các văn bản mang tính khuyến khích các cơ quan nhà nước ứng dụng PMNM mà chưa tạo được môi trường để thúc đẩy PMNM phát triển. Đơn cử, các dự án mời thầu phần mềm vẫn ngang nhiên vi phạm các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn mở, ứng dụng phần mềm nguồn mở. Trắng trợn đưa các phần mềm đóng, công nghệ đóng, dựng hàng rào kỹ thuật nhằm "chỉ định" một vài công nghệ, phần mềm nguồn đóng, từ đó loại bỏ phần mềm nguồn mở khỏi các dự án này, vi phạm ngiêm trọng tính hiệu quả, minh bạch của dự án.
 
- Sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng là một cản trở. Đặc biệt, sự giám sát thực thi chính sách lỏng lẻo khiến cho nhiều chính sách về phần mềm nguồn mở được ban hành nhưng không thể đi vào đời sống do không được thực thi trong thực tế.
Thay cho lời kết
 
Phần mềm nguồn mở chỉ có thể phát triển và mang lại lợi ích cho đất nước như kỳ vọng của nguyên phó Thủ tướng chính phủ Phạm Gia Khiêm cách đây 13 năm khi và chỉ khi các lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước thấu hiểu rằng việc triển khai phần mềm nguồn mở là cần thiết cho chính phủ (chứ không phải cần cho người dân hay doanh nghiệp).
 
Một khi các cơ quan quản lý nhà nước còn nghĩ rằng việc ứng dụng và thúc đẩy phát triển phần mềm nguồn mở là của doanh nghiệp (giống như trước nay các doanh nghiệp phần mềm nguồn đóng đi quảng bá phần mềm của mình), không phải việc của chính phủ, thì đương nhiên phần mềm nguồn mở sẽ thiếu đi một trong số các động cơ thúc đẩy mạnh mẽ nhất. Việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở sẽ manh mún, nhỏ lẻ như xưa nay nó vẫn thế. Đó sẽ là thiệt thòi cho chính phủ và người dân chứ không phải thiệt thòi cho doanh nghiệp, bởi vì không làm phần mềm nguồn mở cho chính phủ thì họ sẽ làm phần mềm nguồn đóng hoặc làm dịch vụ dựa trên phần mềm nguồn mở và âm thầm cung cấp dịch vụ cho thế giới như cách mà lâu nay họ vẫn làm.
 
Cách đơn giản nhất để thúc đẩy là chính phủ quy định tất cả các gói thầu phát triển phần mềm nội bộ, phần mềm đặt hàng theo yêu cầu phải được phát triển theo phương pháp phần mềm nguồn mở & cung cấp theo giấy phép phần mềm nguồn mở. Bước đi cụ thể này của các cơ quan quản lý sẽ ngay lập tức tạo ra thị trường và thúc đẩy các doanh nghiệp đi theo xu hướng mở. Từ đó các vấn đề về nhân lực, đào tạo… sẽ dần được thị trường điều chỉnh.
 
Nói tóm lại, việc ứng dụng và tạo môi trường thúc đẩy phát triển phần mềm nguồn mở là trách nhiệm của chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Phần mềm nguồn mở có trở thành một bàn đạp để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh và phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay không lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng.

Chú thích:
[1] “Sơ Lược Lịch Sử của Git”, nguồn: https://git-scm.com/book/vi/v1/Bắt-Đầu-Sơ-Lược-Lịch-Sử-của-Git
 
[2] “Linux has 2,000 new developers and gets 10,000 patches for each version”, nguồn: http://arstechnica.com/information-technology/2015/02/linux-has-2000-new-developers-and-gets-10000-patches-for-each-version/
 
[3] “Microsoft lập công ty con cho các dự án mã mở”, nguồn: http://www.vietnamplus.vn/microsoft-lap-cong-ty-con-cho-cac-du-an-ma-mo/139022.vnp
 
[5] “IBM tung phần mềm mã nguồn mở cho giới lập trình nhà thông minh”, nguồn: http://genk.vn/internet/ibm-tung-phan-mem-ma-nguon-mo-cho-gioi-lap-trinh-nha-thong-minh-20160216182744667.chn
 
[6] “Microsoft vượt Facebook trở thành doanh nghiệp đóng góp nhiều mã nguồn mở nhất thế giới”, nguồn: http://genk.vn/microsoft-vuot-facebook-tro-thanh-doanh-nghiep-dong-gop-nhieu-ma-nguon-mo-nhat-the-gioi-20160915160801786.chn
 
[7] “Phần mềm vận hành website của người Việt NukeViet CMS 4.0 có gì mới?”, nguồn: http://ictnews.vn/cntt/phan-mem/phan-mem-van-hanh-website-cua-nguoi-viet-nukeviet-cms-4-0-co-gi-moi-138866.ict
 
[8] “VNPT chuyển sang dùng phần mềm văn phòng nguồn mở LibreOffice”, nguồn: http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/vnpt-chuyen-sang-dung-phan-mem-van-phong-nguon-mo-libreoffice-135922.ict
 
[9] “13 doanh nghiệp nguồn mở “bắt tay” cung cấp giải pháp dịch vụ công trực tuyến”, nguồn: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/13-doanh-nghiep-nguon-mo-bat-tay-cung-cap-giai-phap-dich-vu-cong-truc-tuyen-137924.ict
 
[10] “Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning hướng tới tài nguyên giáo dục mở”, nguồn: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-thi-quoc-gia-thiet-ke-bai-giang-e-learning-huong-toi-tai-nguyen-giao-duc-mo-139695.ict
 
Nguồn tham khảo:
[a] Các bài dịch của tác giả Lê Trung Nghĩa: http://letrungnghia.mangvn.org/Government/
 
[b] Các tin tức trên website của CLB phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam: http://vfossa.vn
--
Bài báo được đăng trên Tạp chí CNTT&TT kỳ 1 tháng 12 năm 2016

Tác giả: Nguyễn Thế Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây