Olympic tin học Việt Nam khối phần mềm nguồn mở - 2 năm nhìn lại

Thứ tư - 07/12/2016 03:40
Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam (OLP) là sáng kiến của Hội Tin học Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ giáo dục và Đào tạo nhằm động viên phong trào học tập tin học và khuyến khích các tài năng tin học trẻ. Bắt đầu từ năm 1992, kỳ thi đã được tổ chức định kỳ hàng năm với sự tham gia của đông đảo sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước với bốn nội dung (tính tới thời điểm 2016) bao gồm: chuyên tin, không chuyên tin, Cao Đẳng, ACM-ICPC và khối phần mềm nguồn mở (PMNM). Trong đó, VFOSSA vinh dự được giao trọng trách chủ trì về nội dung, quy chế của khối PMNM.
Olympic tin học Việt Nam khối phần mềm nguồn mở - 2 năm nhìn lại
Từ năm 2013 trở về trước, khối thi PMNM sử dụng hình thức thi trắc nghiệm với mục tiêu phổ cập các kiến thức về PMNM như giấy phép sử dụng mở, các ngôn ngữ lập trình và phần mềm nguồn mở thông dụng. Tuy nhiên, từ năm 2015, nhận thấy việc phát triển phong trào sử dụng PMNM và các cộng đồng người sử dụng PMNM tại Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định, VFOSSA quyết định thay đổi format và quy chế khối thi PMNM trong khuôn khổ kỳ thi Olympic tin học quốc gia từ mô hình thi trắc nghiệm sang mô hình thi Hackathon. Các điểm mới của format hackathon trong khuôn khổ khối thi PMNM của Olympic tin học Việt Nam từ năm 2015 được tóm tắt như sau:
-          Thay đổi thời lượng phần thi thành 8 tiếng liên tục. [1]
-          Toàn bộ đề thi, biểu điểm và kết quả chấm cùng nhận xét của BGK được công khai trên kho github ngay sau khi kết thúc cuộc thi với mục tiêu góp ý giúp hoàn thiện kỹ năng cho các đội thi cũng như là tài liệu tham khảo cho các đội trong các năm tiếp theo.  [2]
-          Toàn bộ bài thi (bao gồm mã nguồn ở dạng diff/patch và tài liệu mô tả thiết kế) của các đội thi được công khai trên kho github. Các đội thi được yêu cầu phải biết cách sử dụng công cụ git/github và nộp bài thi hoàn toàn online thông qua việc đẩy pull-request lên kho github của BGK. [2]
-          Các đề thi đều được yêu cầu phải có tài liệu mô tả thiết kế và mã nguồn trong sáng với mục đích kế thừa kiến thức tới các thế hệ sinh viên kế cận. Ví dụ, trong năm 2015, 2016, với đề thi về OpenStack và ngôn ngữ lập trình Python, các bài thi đều phải trải qua quá trình kiểm tra chuẩn PEP8 của Python để đảm bảo tính hợp lệ trong cú pháp của từng bài.
-          Các đội thi được yêu cầu tìm hiểu trước về một công nghệ PMNM được BGK hướng dẫn trước cuộc thi vài tháng. Các PMNM trong yêu cầu tìm hiểu thường được lựa chọn từ các tiêu chí:
 
  • Là PMNM chuẩn mực và là xu thế nguồn mở theo từng năm: năm 2015 là OpenStack [3], năm 2016 là OpenStack và Docker [4]; có tính chất kế thừa qua hàng năm.
  • Có cộng đồng người sử dụng tích cực tại Việt Nam có thể hỗ trợ các đội thi trong giai đoạn tìm hiểu. Năm 2015 có cộng đồng Vietnam OpenStack, năm 2016 có cộng đồng Vietnam OpenStack [5] và Docker Hà Nội [6] tham gia hỗ trợ.
Với format mới như vậy, CLB VFOSSA thực sự mong muốn đây sẽ là sân chơi công nghệ thông tin PMNM hữu ích với sinh viên và hi vọng mang lại các giá trị của PMNM tới các đội thi:
-          Hiểu về quy trình nguồn mở thông qua việc sử dụng git/github, đẩy pull-request và được BGK đồng ý cho merge bài thi lên kho dòng trên (upstream).
-          Hiểu về tinh thần nguồn mở thông qua việc tiếp xúc, trao đổi thông tin cùng các cộng đồng người dùng PMNM tích cực tại Việt Nam và chia sẻ lại kiến thức, kinh nghiệm cho các đội sinh viên ở thế hệ tiếp theo không chỉ ở cùng trường mà còn cho tất cả các trường có ý định tham gia thi năm sau.
-          Hiểu được giá trị và sức mạnh của các PMNM trong đề thi, yêu cầu nhóm sinh viên phải chủ động cập nhật thông tin liên tục. Vì đề thi có tính chất kế thừa và PMNM phát triển không ngừng, đề thi các năm có thể cùng về một PMNM nhưng chắc chắn không thể giống nhau (ví dụ 2015 và 2016 đều có cùng nội dung về OpenStack, nhưng 2016 đã xuất hiện thêm Docker).
Sau 2 năm tổ chức khối thi PMNM theo format mới như vậy, CLB VFOSSA đã tổng kết lại được kết quả như sau:
-          Về số lượng đội thi: có cải thiện hơn, năm 2016 có 9 đội thi, so với 2015 là 6 đội.
-          Về chất lượng: năm 2015, 80% các đội đều gặp khó khăn khi sử dụng git/github tuy nhiên ở năm 2016, con số này là 30%. Ở năm 2015, có những đội tới sát ngày thi mới dựng được devstack (dự án triển khai OpenStack với mô hình AIO để phục vụ việc lập trình) hoặc đến hôm thi mới bắt đầu dựng devstack thì trong năm 2016, con số này chỉ còn là 1 đội.
-          Đặc biệt, tính kế thừa được thể hiện rõ khi đội thi từ Viện Đại học Mở trong năm 2015 tuy không đạt được thành tích gì nhưng sau một năm tự rèn luyện, liên tục tiếp xúc và học hỏi từ các cộng đồng PMNM thông qua những hoạt động online hoặc hoạt động hội thảo offline với khách mời là những thành viên từ cộng đồng, trong năm 2016 đội thi từ Viện Đại học Mở đã đạt được giải Nhất khối thi PMNM. Thành tích này xứng đáng được ghi nhận với những nỗ lực của các thầy cô trong Viện cũng như các em sinh viên đã phát huy được tinh thần nguồn mở đáng quý. Xin nhiệt liệt biểu dương đội thi Viện Đại học Mở - một thành viên của CLB VFOSSA.
Nhìn nhận lại, khối thi OLP PMNM đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên để có thể quảng bá rộng rãi hơn nữa cũng như nâng cao được chất lượng của cuộc thi, CLB VFOSSA nhận thấy cần phải đưa các hướng dẫn và công bố danh sách các thư viện PMNM trong cuộc thi mỗi năm sớm hơn nữa; vừa là để các đội thi có thời gian chuẩn bị cũng như có thể quảng bá được rộng rãi hơn.
CLB VFOSSA xin gửi lời cảm ơn tới các thành viên trong các cộng đồng PMNM Việt Nam như Vietnam OpenStack, Docker Hà Nội đã nhiệt tình hỗ trợ các đội thi và BTC trong quá trình chuẩn bị. CLB VFOSSA rất hi vọng sẽ nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ nhiệt tình hơn nữa từ các cộng đồng PMNM khác cũng như có được sự đồng thuận tham gia từ khối các trường Đại học, Cao đẳng trong những năm tiếp theo.

[1]. http://www.olp.vn/olympic/moi-truong---cong-cu
[2]. Đề thi, bài làm và kết quả năm 2015: https://github.com/vietstacker/OLP-FOSS-2015
      Đề thi, bài làm và kết quả năm 2016: https://github.com/vietstacker/OLP-FOSS-2016
[3]. OpenStack: http://www.openstack.org
[4]. Docker: https://github.com/docker/docker
[5]. Vietnam OpenStack: https://groups.openstack.org/groups/vietnam-vietopenstack
[6]. Docker Hà Nội: https://www.facebook.com/groups/dockerhanoi/

Tác giả: Lê Quang Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay4,372
  • Tháng hiện tại150,212
  • Tổng lượt truy cập31,357,880
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây