VFOSSA làm việc với Vụ CNTT – Bộ TT&TT về dự thảo văn bản hướng dẫn danh mục dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước

Thứ hai - 28/08/2017 18:25
Vừa qua, Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cùng một số doanh nghiệp đại diện đã có cuộc đối thoại với Vụ CNTT – Bộ TT&TT về dự thảo công văn hướng dẫn “Danh mục một số dịch vụ CNTT phục vụ CQNN triển khai thuê dịch vụ CNTT” (danh mục dịch vụ) và “Danh sách các doanh nghiệp CNTT sẵn sàng cung cấp dịch vụ CNTT cho CQNN thuê” (danh sách doanh nghiệp).
VFOSSA làm việc với Vụ CNTT – Bộ TT&TT về dự thảo văn bản hướng dẫn danh mục dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước

Tại buổi làm việc, đại diện Vụ CNTT – Bộ TT&TT nêu tóm tắt tình hình thực hiện quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, trong đó nổi cộm vấn đề các dự án công nghệ thông tin hiện nay vẫn thưa thể thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin vì gặp nhiều vấn đề vướng mắc, trong đó có việc chuẩn hóa các dịch vụ công nghệ thông tin, thiếu thông tin các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên thị trường, ... Mục tiêu của công văn hướng dẫn này là để giải quyết các vấn đề vướng mắc trên.

Đại diện VFOSSA là ông Nguyễn Hồng Quang – Chủ tịch CLB – đã nêu tóm tắt những kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên VFOSSA đã đề xuất tại một buổi họp nội bộ trước đó (từ cuối tháng 7/2018). Cụ thể, với dự thảo danh mục dịch vụ CNTT, VFOSSA đề nghị không nên đưa ra danh sách cụ thể, vì dịch vụ CNTT rất phong phú và luôn biến động, nên việc liệt kê dạng danh sách dễ dẫn tới thiếu sót. Nếu có thể được thì Bộ TT&TT nên xây dựng và công bố các tiêu chí xác định dịch vụ nào không được phép thuê dịch vụ, ngầm định là có thể được thuê. Với dự thảo danh sách doanh nghiệp, theo ý kiến của VFOSSA, Bộ TT&TT với tư cách của cơ quan quản lý nhà nước không nên làm mà nên để thị trường tự điều chỉnh. Việc công bố danh sách doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để cho thuê dịch vụ giao cho cho các hội, hiệp hội và CLB CNTT làm sẽ hay hơn. Các đơn vị này có thể giới thiệu danh sách các thành viên và các dịch vụ thành viên cung cấp để các cơ quan nhà nước tham khảo. Còn việc lựa chọn như thế nào tùy thuộc vào quy định của CQNN là chủ đầu tư và khách hàng thuê dịch vụ. Theo dư luận chung, các Hội, Hiệp hội đều không tán thành việc công bố danh sách doanh nghiệp này.

Ông Trần Kiêm Dũng (đại diện công ty FDS) và ông Lê Xuân Tuyến (đại diện công ty HiNet) cho rằng danh sách doanh nghiệp này dễ bị chủ đầu tư hiểu nhầm, áp dụng một cách máy móc rằng chỉ có doanh nghiệp có trong danh sách và dịch vụ nằm trong danh mục thì mới được thuê. Vô hình trung, chúng ta lại tạo thêm một loại “giấy phép con” mặc dù cơ quan QLNN không có ý định như vậy.

Đại diện Vụ CNTT – Bộ TT&TT cho biết: Bộ TT&TT sẽ không làm bản cứng danh sách các doanh nghiệp mà sẽ công bố trên cổng thông tin của Bộ TT&TT. Danh sách sẽ được công bố công khai, minh bạch, không cần xin phép, không có điều kiện. Doanh nghiệp cũng cần tự công bố trên website của mình. Về danh mục dịch vụ, chỉ đơn giản là tổng hợp cơ học để các chủ đầu tư tham chiếu, việc thuê hay mua vẫn tự chủ đầu tư quyết định và lựa chọn thông qua thuyết minh dự án của mình.

Các doanh nghiệp VFOSSA tham gia buổi làm việc phản biện rằng danh mục dịch vụ chưa ổn cả về cách phân loại cũng như danh sách dịch vụ. Đơn cử như dịch vụ cổng thông tin, nếu thuê theo hình thức trọn gói thì sẽ gồm rất nhiều dịch vụ đi kèm (hosting/server, đường truyền, chỗ đặt server, dịch vụ quản trị server, dịch vụ bảo trì, sao lưu, phục hồi dữ liệu, dịch vụ đào tạo, dịch vụ bảo hành bảo trì phần mềm, dịch vụ hỗ trợ sử dụng...) chứ không chỉ có phần mềm. Do đó, cách phân chia dịch vụ như dự thảo chỉ phù hợp với tư duy thuê tài chính trước đây, không phù hợp với tư duy thuê dịch vụ. Các doanh nghiệp đề nghị tạo cơ chế “mở”, cho phép doanh nghiệp chủ động đề xuất và cập nhật danh mục dịch vụ lên cổng thông tin của Bộ TT&TT. Việc công bố một danh mục cứng đi kèm công văn, cho dù trong công văn nói là không chỉ có các dịch vụ trong phụ lục thì vẫn là điều không nên làm vì dù ai cũng biết công văn không phải văn kiện có tính pháp lý, song vẫn luôn là sở cứ để CQNN dựa vào khi quyết định thuê dịch vụ CNTT.

Về danh sách doanh nghiệp, kể cả Bộ khẳng định sẽ “mở hoàn toàn, trực tuyến, cho doanh nghiệp tự cập nhật” thì VFOSSA vẫn thấy không phải là ý hay vì Bộ sẽ không có nguồn lực để theo dõi, cập nhật về lâu dài, không có cơ chế quản lý, xác minh thông tin. Một danh sách như vậy sẽ rất nhanh chóng bị lạc hậu, thiếu kiểm soát và không có ích cho cả doanh nghiệp lẫn CQNN.

Bình luận về việc taị sao QĐ 80 về thuê dịch vụ CNTT cho CQNN ra đời đã được gần 3 năm mà không thể đi vào thực tiễn, một đại diện doanh nghiệp của VFOSSA cho rằng vấn đề không phải ở chỗ không có cái danh mục dịch vụ hay CQNN không biết đi thuê dịch vụ CNTT ở đâu mà nằm ở định chế tài chính, chưa có văn bản nào quy định nguồn ngân sách để đi thuê dịch vụ CNTT lấy từ đâu nên CQNN rất lúng túng. Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT cần làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để có cơ chế chi ngân sách cho thuê dịch vụ CNTT. Chỉ khi đó QĐ 80 mới có thể vận hành được.

Đại diện Vụ CNTT – Bộ TT&TT cũng nhận định, trong gần ba năm thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thực chất các đơn vị vẫn làm theo hình thức thuê tài chính (mua trả góp) chứ không phải là thuê dịch vụ. Dự thảo lần này ra đời nhằm cải thiện việc này cho nên Vụ CNTT rất muốn lắng nghe ý kiến của các đơn vị. Đại diện Vụ CNTT cuối cùng cũng được thuyết phục rằng không nên đưa ra danh sách doanh nghiệp, kể cả dưới hình thức online. Vụ CNTT sẽ tìm cách thuyết phục lãnh đạo Bộ TT&TT về chủ trương này. Về danh mục dịch vụ thì Vụ CNTT vẫn cho rằng cần được công bố và sẽ chỉ được công bố online và Bộ có trách nhiệm cập nhật.

Cuối buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tuyên (Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT) cảm ơn VFOSSA và đề nghị VFOSSA gửi văn bản góp ý chính thức sau buổi họp này, đặc biệt góp ý cho dự thảo công văn và danh mục dịch vụ CNTT cho thuê đi kèm.

Tác giả: BBT Website VFOSSA

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây