Các nhà mạng phải thay đổi để thích ứng với công nghệ mới

Thứ tư - 03/01/2018 03:45
Đó là nhận định được ông Lý Quốc Chính - CTO VNPT Technology chia sẻ tại Hội thảo Phát triển phần mềm nguồn mở 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 5/12/2017.

Là một đơn vị chủ lực của Tập đoàn VNPT trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp điện tử viễn thông, CNTT và công nghiệp nội dung số, VNPT Technology có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu phát triển thiết bị, giải pháp viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị và thương mại dịch vụ kỹ thuật.

Các sản phẩm của VNPT Technology tập trung vào mảng chính là networking cho viễn thông gồm băng rộng cố định, băng rộng không dây, giải pháp mạng thế hệ mới; các thiết bị cho người tiêu dùng và phát triển cả phần mềm. Trong 2 năm trở lại đây, VNPT Technology đã đầu tư rất nhiều cho IoT, phát triển IoT platform và IoT device.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số này, thách thức lớn đối với cộng đồng nguồn mở là phải làm thế nào để có sự liên kết và tạo được sự tin tưởng với các tổ chức, doanh nghiệp để có thể đóng góp nhiều hơn cho quá trình chuyển đổi số.
Ông Lý Quốc Chính - CTO VNPT Technology tham luận về “Vai trò của phần mềm nguồn mở trong viễn thông thế hệ mới” (ảnh Mạnh Vỹ).

Tham gia Hội thảo Phát triển phần mềm nguồn mở 2017, ông Lý Quốc Chính - CTO VNPT Technology đã có bài tham luận về “Vai trò của phần mềm nguồn mở trong viễn thông thế hệ mới” dựa trên những kinh nghiệm thực tế của VNPT Technology trong việc ứng dụng phần mềm nguồn mở vào phát triển các sản phẩm viễn thông thế hệ mới.

Theo ông Chính, PMNM có vai trò rất lớn trong lĩnh vực CNTT, trong các website, blog hay mạng xã hội, trong doanh nghiệp nói chung có rất nhiều phần mềm nguồn mở. Nhưng trong lĩnh vực viễn thông thì không có mấy nhà cung cấp thiết bị sử dụng nguồn mở, chẳng hạn như Cisco, Nokia...họ sản xuất thiết bị viễn thông dựa trên nguồn đóng. Tuy nhiên xu hướng này đang dần thay đổi khi các công ty lớn này cũng đang đầu tư vào nguồn mở. Khi các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ chuyển sang mô hình cung cấp dịch vụ ngoài truyền thống thì những dịch vụ đó phải được thương mại hóa nhanh hơn, phải có nhiều hơn, tương tác tốt hơn thì PMNM giúp các nhà cung cấp giải quyết được vấn đề đó.

Trong khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, khi khái niệm sản phẩm mạng thế hệ mới SDN và NFV được giới thiệu thì tất cả những hạ tầng để triển khai những sản phẩm này đều dựa trên PMNM. Đây là xu hướng tất yếu vì giúp cho nhà mạng nhiều lợi ích trong mạng thế hệ mới như đẩy nhanh cung cấp dịch vụ mới, giảm chi phí, cho phép đầu tư mở rộng linh hoạt hơn, vận hành linh hoạt và không phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị lớn.

Tuy mang lại nhiều lợi ích như vậy nhưng PMNM trong viễn thông cũng có những nhược điểm nhất định. Ngay như với VNPT Technology cũng gặp khó khăn khi ứng dụng nguồn mở trong sản phẩm của họ. “Thực ra nguồn mở chỉ là bước khởi đầu cho quá trình làm sản phẩm. Trên thực tế khi sử dụng nguồn mở các nhà mạng gặp những khó khăn thách thức, đó là nguồn mở trong hệ thống viễn thông có hiệu năng và tính ổn định không cao. Do đó, để áp dụng nguồn mở vào hệ thống viễn thông, các nhà mạng cần giải quyết các vấn đề như nâng cao hiệu năng, khả năng xử lý khi tải cao, tuân thủ theo chuẩn viễn thông, tương thích với nhiều nhà mạng, bảo mật và tính sẵn sàng”, ông Chính chia sẻ.

Mặt khác, ông Chính cho hay, khi nghiên cứu vào nguồn mở chúng tôi gần như lạc vào một rừng tổ chức nguồn mở, và đã dành nhiều thời gian để đánh giá xem cái nào phù hợp và tiến hành thử nghiệm nhỏ, rồi xây dựng các bài toán lớn hơn. Sau khi xây dựng xong nền tảng đấy, chúng tôi xây dựng các ứng dụng trên đó. Kết quả là triển khai dịch vụ nhanh, linh hoạt, tự động vận hành, giám sát...Bài học của chúng tôi là khi ứng dụng công nghệ mới thì phải thay đổi con người và quy trình trước khi thay đổi công nghệ.

VNPT Technology đã xây dựng nền tảng Cloud NFV (NFV – Network Functions Virtualization). Đây là nền tảng mở thực hiện ảo hóa chức năng mạng dựa trên các công nghệ điện toán đám mây và mạng điều khiển bằng phần mềm (Software Defined Network). Trên nền Cloud - NFV, các phần mềm và giải pháp dịch vụ được quản lý hợp nhất trên điện toán đám mây đáp ứng nhu cầu quản lý, triển khai nhanh chóng, ảo hóa và mở rộng mạng linh hoạt.

Từ những kinh nghiệm đó, ông Chính cho rằng, các nhà mạng cần phải thay đổi để thích ứng với công nghệ mới và đặc biệt cuộc cách mạng Industry 4.0. Các PMNM trong các sản phẩm về Cloud, SDN, NFV là cơ sở thiết yếu cho sự thay đổi. Tuy là mở nhưng không miễn phí mà các nhà mạng cần đầu tư nguồn lực để tìm hiểu/lựa chọn/ sử dụng cho phù hợp với tổ chức, định hướng của doanh nghiệp mình, đồng thời có đóng góp, chia sẻ cộng đồng mở để nhận lại những ý tưởng tốt hơn.

Nguồn tin: xahoithongtin.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sự kiện
Bài viết của bạn


Hãy đăng ký/đăng nhập để có thể quản lý bài viết của bạn.
Xem thêm hướng dẫn tại đây!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay4,385
  • Tháng hiện tại150,225
  • Tổng lượt truy cập31,357,893
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây